Cách đây hơn 35 năm, trước nhu cầu bức thiết cần phải có một cơ quan lý luận nghiệp vụ để hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cho những người làm báo một cách có tổ chức, hệ thống, thường xuyên; ngày 12/9/1984 Ban Tuyên huấn Trung ương đã có Quyết định số 968/TH – TW cho phép xuất bản Tạp chí Người Làm Báo - Cơ quan lý luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam.
Sau thời gian chuẩn bị, đầu năm 1985, Tạp chí Người Làm báo chính thức xuất bản số đầu tới bạn đọc. Hành trình dài hơn 35 năm với nhiều đóng góp, Tạp chí Người Làm báo trở thành cầu nối giữa những người làm báo với bạn đọc và giữa bạn đọc với những người làm báo; thực sự là cơ quan lý luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Tạp chí Người Làm Báo đã đi qua chặng đường hơn ba thập kỷ gắn xây dựng và phát triển, gắn liền với sứ mệnh lý luận, nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam và trong suốt hành trình ấy, Tạp chí Người Làm Báo đã luôn vững vàng, đồng hành cùng mạch đập sôi động của báo chí cả nước. Tự hào khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của tờ báo mang bản sắc riêng, đặc biệt - diễn đàn nghề của người làm báo, thực sự trở thành cầu nối giữa những người làm báo với bạn đọc và giữa bạn đọc với những người làm báo...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Tạp chí Người Làm Báo cần tập trung vào việc đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng Tạp chí cả về nội dung và hình thức. Tăng cường tính chuyên nghiệp các mặt hoạt động của Tạp chí, xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi công nghệ làm báo hiện đại, có đạo đức trong sáng, nhạy bén và sáng tạo. Tiếp tục phát huy hiệu quả song song tờ báo giấy và tờ báo điện tử.
Tại buổi lễ, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho biết, “nhìn lại chặng đường hơn 35 năm dựng xây, đổi mới và phát triển cùng với nhịp đập sôi động của đời sống báo chí, tuy có lúc có những thay đổi nhỏ, tên gọi có lúc khác nhau nhưng xét về mặt nội dung, Tạp chí Người Làm Báo luôn kiên trì thực hiện thành công tôn chỉ, chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn báo chí và là diễn đàn trao đổi nghiệp vụ của báo giới cả nước. Thành quả ấy là kết quả của sự đóng góp, cống hiến của nhiều nhà báo lão thành, các thế hệ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên mãi gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Tạp chí”.
Cùng với đó, Tạp chí còn tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, sự kiện báo chí có ý nghĩa tích cực trong đời sống báo chí và cộng đồng. Đặc biệt, Tạp chí là đơn vị chủ trì và tổ chức thành công 5 lần Giải Báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long – tạo sân chơi bổ ích cho giới báo chí khu vực phía Nam. Thương hiệu và uy tín của Giải ngày càng nâng cao, khẳng định vai trò và những đóng góp quan trọng của Tạp chí Người Làm Báo trong thời kỳ mới.
Sau hơn 35 năm xây dựng và phát triển, một trong những mối quan tâm và thành công của Tạp chí được thể hiện ở việc tổ chức hoạt động đảm bảo tự chủ tài chính. Tạp chí Người Làm Báo đã nỗ lực xây dựng mạng lưới phát hành rộng khắp trong hệ thống các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí trong cả nước, đồng thời nỗ lực tổ chức khai thác, thực hiện dịch vụ quảng cáo truyền thông và xây dựng mạng lưới cộng tác viên giàu năng lực và uy tín. Đời sống của cán bộ, phóng viên, nhân viên được nâng cao.
Với đội ngũ gần 40 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên ở Hà Nội và 06 văn phòng đại diện tại các khu vực trên cả nước, đã và đang tạo uy tín và vị thế cho Tạp chí phát triển. Tạp chí đã thu hút được đông đảo đội ngũ các nhà báo lão thành, nhà báo giàu kinh nghiệm, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cấp hội, các nhà khoa học, nhà quản lý và các giảng viên tại các cơ sở đào tạo báo chí cả nước tham gia viết bài, chia sẻ kinh nghiệm làm báo, nâng cao kỹ năng làm báo cho các nhà báo Việt Nam.