Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm trong tháng 10/2024 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 10 tháng đầu năm, chỉ số này tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ. Qua đó, cho thấy nhu cầu dần cải thiện trong bối cảnh chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm mạnh.
Theo dự báo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian tới. Dự phóng mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy, trong niên vụ 2024/2025, giá ngô sẽ đạt trung bình 4,2 US cents/giạ (25,4 kg/giạ) và giá đậu tương đạt trung bình 10,8 US cents/giạ (27,2 kg/giạ), lần lượt giảm 61% và 42% so với mức đỉnh 2023. Đây là hai loại nguyên liệu chính dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Qua đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi, đặc biệt là các doanh nghiệp theo mô hình khép kín 3F (từ trang trại đến bàn ăn), như Tập đoàn Dabaco (mã cổ phiếu DBC - sàn HoSE) sẽ tiếp tục được cải thiện. Chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất của các doanh nghiệp chăn nuôi.
Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, quy mô đàn heo của Tập đoàn Dabaco hiện lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu con. Tập đoàn này cũng sở hữu 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi từ Bắc vào Nam với tổng công suất hơn 1,5 triệu tấn/năm, đem lại lợi thế lớn trong việc duy trì biên lợi nhuận gộp của mảng chăn nuôi. Ước tính chi phí chăn nuôi heo của tập đoàn này hiện chỉ ở mức 48 - 50.000 đồng/kg, gần như thấp nhất toàn ngành.
Động lực tăng trưởng của Tập đoàn Dabaco còn đến từ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo tại Việt Nam. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tiêu thụ thịt heo tại Việt Nam sẽ tăng trưởng hàng năm 3,1% trong giai đoạn 2022 – 2030, mức cao đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực.
Hiện Tập đoàn Dabaco đang tiếp tục xúc tiến mở rộng quy mô đàn thông qua việc đầu tư vào các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại tỉnh Thanh Hóa (5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm/năm) và tại tỉnh Phú Thọ (4.800 lợn nái, 70.000 lợn thương phẩm/năm).
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dabaco trong trung và dài hạn còn đến từ mảng kinh doanh mới - vaccine thú y. Tháng 8/2024, nhà máy Vaccine Dacovet với công suất 200 triệu liều/năm của tập đoàn đã đạt chứng nhận GMP-WHO. Tập đoàn Dabaco cũng cho biết đã thử nghiệm thành công vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi (ASF) trên đàn heo nội bộ.
Nhà máy Vaccine Dacovet dự kiến sẽ sản xuất 03 loại vaccine, gồm: ASF, tai xanh, và lở mồm long móng. Đây đều là những dịch bệnh có tác động nghiêm trọng nhất, hường xuyên bùng phát trên đàn gia súc của Việt Nam. Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự kiến sản lượng tiêu thụ trong năm đầu tiên của nhà máy Vaccine Dacovet sẽ ở mức 10%, qua đó đem về khoảng 700 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn Dabaco.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Dabaco ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.962 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái, và lãi ròng tăng gấp 27 lần, đạt 530 tỷ đồng.
Theo đó, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự phóng lãi ròng cả năm nay của Tập đoàn Dabaco sẽ đạt 706 tỷ đồng, cao gấp 27 lần năm 2023. Bước sang năm 2025, giá heo hơi được dự báo sẽ giảm nhẹ so với mức nền cao của năm 2024 nhưng vẫn duy trì trên 60.000 đồng/kg, giúp biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Dabaco cải thiện từ 15% lên 15,5%.