Nắm quyền chi phối từ 51% đến 70% Bánh bao Thọ Phát
Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (mã chứng khoán: KDC – sàn: HoSE) cũng cho biết đang trong quá trình thương thảo để nắm quyền chi phối từ 51% đến 70% Công ty TNHH MTV Chế Biến Thực Phẩm Thọ Phát – đơn vị sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát.
Việc mua lại cổ phần từ thương hiệu bánh bao đình đám này nằm trong kế hoạch mà Hội đồng Quản trị Tập đoàn KIDO đã thông qua vào giữa tháng 04/2023. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Tập đoàn KIDO, việc nắm quyền chi phối Thương hiệu Bánh bao Thọ Phát là kết quả này sau một quá trình đám phán dài để đạt được thỏa thuận này. Đây là bước đi chiến lược trong việc phát triển Tập đoàn KIDO thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam và vươn ra quốc tế.
Thông qua thương vụ M&A này, Tập đoàn KIDO dự kiến mảng bánh (tính gộp cả các sản phẩm thương hiệu bánh bao Thọ Phát) sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay. Đây sẽ là khoản đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch của Tập đoàn trong năm nay, theo chia sẻ của ông Trần Lệ Nguyên – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO.
Hướng đến mục tiêu xếp thứ 2 ngành bánh Việt Nam
Công ty TNHH MTV Chế Biến Thực Phẩm Thọ Phát, đơn vị sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát, do ông Vũ Phước Thọ sáng lập từ tháng 9/2011 và hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm. Thọ Phát là một trong những thương hiệu thực phẩm nói chung, bánh bao nói riêng có uy tín tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực miền Nam.
Với xuất phát điểm là một tiệm bánh bao thủ công có mặt trên thị trường từ năm 1987, đến nay thương hiệu này đã có hơn 4.000 điểm bán hàng tại TP.Hồ Chí Minh, nhà máy sản xuất với công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm với đa dạng các dòng sản phẩm như: bánh bao, bánh giò, bánh nướng, dimsum... Nhà máy sản xuất Thọ Phát tại TP. Hồ Chí Minh hiện có công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.
Tuy nhiên, lợi nhuận của Thọ Phát trong những năm gần đây không tương xứng với quy mô doanh thu khi doanh nghiệp này có mức đòn bẩy tài chính cao, quy mô nợ phải trả gấp hàng trăm lần vốn chủ sở hữu.
Việc để Tập đoàn KIDO nắm quyền chi phối sẽ giúp Thọ Phát giải quyết các vấn đề tài chính. Đồng thời, tận dụng thế mạnh về quản trị, phát triển thương hiệu, vận hành logistics và hệ thống kênh phân phối với 450.000 điểm bán ngành hàng khô, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh trên toàn quốc, Tập đoàn KIDO sẽ đưa các sản phẩm thương hiệu Thọ Phát nhanh chóng phủ toàn bộ thị trường miền Bắc, miền Trung cũng như xuất khẩu ra thế giới.
Về phía Tập đoàn KIDO, thương vụ này đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của tập đoàn này trong lĩnh vực chế biến bánh, dần hiện thực hoá mục tiêu xếp thứ 2 ngành chế biến bánh Việt Nam, sau Mondelez Kinh Đô Việt Nam (thuộc tập đoàn Mondelēz International, Mỹ) khi mục tiêu này đã bị trì hoãn trong 2 năm dịch COVID-19. Trước đó, vào cuối năm 2014, Tập đoàn KIDO đã bán lại thương hiệu vương miện đỏ Kinh Đô cho Mondelēz International với giá khoảng 10.000 tỷ đồng và cam kết không tham gia lại ngành bánh kẹo trong vòng 5 năm.
Ngành bánh kẹo Việt Nam hiện được đánh giá là lĩnh vực hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng từ 5 - 8%/năm và biên lợi nhuận hấp dẫn đối với nhiều dòng sản phẩm.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 7/6, cổ phiếu KDC của Tập đoàn KIDO có giá tham chiếu tại 64.800 đồng/cổ phiếu.