Dòng tiền được cải thiện giúp củng cố khả năng thanh khoản
Tại thời điểm đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN - sàn HoSE) có khoảng 1 tỷ USD (tương đương 23.520 tỷ đồng) nợ cần đáo hạn trong năm. Điều này đã khiến một bộ phận nhà đầu tư lo ngại vấn đề thanh khoản khi tập đoàn này sẽ phải thu xếp một lượng tiền rất lớn để hoàn thành nghĩa vụ nợ.
Tuy nhiên, hãng chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV) dẫn lời ban lãnh đạo Tập đoàn Masan cho biết, tập đoàn này đã gần như hoàn thành đủ các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu trong năm 2023 và tổng mức trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 chỉ rơi vào mức khoảng 6.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vào đầu tháng 12/2023, quỹ đầu tư Bain Capital (Mỹ) đã đồng ý tăng thêm 50 triệu USD vào khoản đầu tư vốn cổ phần của Tập đoàn Masan, nâng mức đầu tư lên 250 triệu USD (khoảng 6.000 tỷ đồng) so với 200 triệu USD được công bố hồi tháng 10/2023. Số tiền thu được từ giao dịch này sẽ giúp Tập đoàn Masan giảm đòn bẩy tài chính, tối ưu bảng cân đối kế toán.
Cùng với đó là tính đến cuối quý 3/2023, lượng tiền và tương đương tiền (chưa tính khoản đầu tư ngắn hạn) của Tập đoàn Masan đạt gần 10.000 tỷ đồng, cộng thêm dòng tiền tự do của tập đoàn này liên tục được cải thiện trong các quý gần đây. Những yếu tố trên cho thấy vấn đề thanh khoản đã gần như không còn là nỗi lo của Tập đoàn Masan trong thời gian tới.
Về thương vụ giữa SK Group và Tập đoàn Masan, theo thỏa thuận, SK Group có quyền bán cổ phần sau 3 năm nắm giữ, thời gian thực hiện thương vụ bắt đầu từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024, điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong thời gian vừa qua do lo ngại SK Group sẽ thoái vốn ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Tập đoàn Masan do tập đoàn sẽ phải mua lại hoặc sắp xếp chuyển nhượng cho bên thứ ba.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số tổ chức tài chính SK Group là đối tác lâu dài đối với Tập đoàn Masan nói riêng và thị trường Việt Nam nói chung. Cả 2 phía Tập đoàn Masan và SK Group đều đã lên tiếng bác bỏ tin đồn về việc thoái vốn, điều này sẽ giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, giảm lo ngại về vấn đề thanh khoản đối với Tập đoàn Masan.
Hệ sinh thái bán lẻ - tiêu dùng liên tục ghi nhận tín hiệu tích cực
Dù môi trường kinh tế vĩ mô có nhiều thách thức, hệ sinh thái bán lẻ - tiêu dùng của Tập đoàn Masan vẫn đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Mảng tiêu dùng của tập đoàn này bao gồm: WinCommerce (WCM), Masan Consumer Holdings (MCH), Masan MEATLife (MML), và Phúc Long Heritage.
Trong đó, chuỗi WinCommerce đã đạt điểm hoà vốn EBIT trong quý 3/2023 và nhiều siêu thị WinCommerce mở trước năm 2022 đã đạt được lãi sau thuế, mở ra triển vọng toàn chuỗi sẽ sớm hoà vốn và sinh lợi nhuận trong thời gian tới.
Về số lượng cửa hàng, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, WinCommerce đã mở mới được 245 siêu thị mini WinMart+ và 2 siêu thị WinMart, nâng tổng số cửa hàng lên 3.586 cửa hàng toàn chuỗi trên toàn quốc.
Ngoài ra, chuỗi bán lẻ này cũng đã cải tạo nhiều cửa hàng WinMart+ thành các mô hình khác nhau phù hợp với từng khu vực, các cửa hàng sau cải tạo đều đem lại tăng trưởng doanh thu tích cực so với các cửa hàng còn lại.
Đối với Masan Consumer Holdings, khối này ghi nhận doanh thu tăng trưởng 1,3% trong quý 3/2023. Tuy nhiên, trên cơ sở so sánh tương đương khi loại bỏ mảng thịt chế biến, doanh thu của khối này ghi nhận tăng trưởng ở mức 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh sức mua hạn chế.
Các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, như ngành hàng Gia vị, Thực phẩm tiện lợi và HPC (Sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình) ghi nhận tăng trưởng lần lượt 16,6%, 10,8% và 24,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer Holdings trong quý 3/2023 đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, đạt 45,6% nhờ: lợi thế thương hiệu mạnh, giúp định vị giá bán ở mức cao; các chi phí nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt; và chi phí quản lý chuỗi cung ứng được tối ưu.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 14/12, thị giá cổ phiếu MSN đạt 65.000 đồng/cổ phiếu.