Khát vọng chấn hưng cơ khí điện lạnh nước nhà
Trước những năm 80-90, ngành Cơ khí tự động hóa, công nghệ chế tạo thiết bị của Việt Nam còn rất hiếm, các công trình nghiên cứu khoa học nếu có ứng dụng thì cũng chủ yếu là cho các công ty nước ngoài.
Không muốn những kết quả nghiên cứu của mình dừng lại ở phòng thí nghiệm, năm 1995, GS. TS Đinh Văn Thuận - người thầy giáo có gần 40 năm đứng trên bục giảng với hàng chục công trình nghiên cứu được ứng dụng thực tế đã quyết định thành lập một công ty riêng chuyên về thiết kế, chế tạo, xây dựng các dây chuyền sản xuất ngành nhiệt lạnh và tự động hóa - Công ty Cơ nhiệt điện lạnh Bách khoa (POLYCO).
Hai mươi năm sau, POLYCO đã trở thành một tập đoàn hàng đầu của Việt Nam chuyên thiết kế, chế tạo, lắp đặt, tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ với quy mô từ các hệ thống thiết bị công nghệ đơn lẻ như: các thiết bị áp lực, lò hơi, hệ thống lạnh, hệ thống cấp đông nhanh, kho lạnh thực phẩm, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống điện, hệ thống điều khiển tự động, hệ thống xử lý nước sản xuất, xử lý nước thải, hệ thống tiết kiệm năng lượng, hệ thống khí nén, thu hồi CO2, chiết rót đóng chai, đóng gói sản phẩm,… tới các công trình công nghiệp quy mô lớn (theo phương thức chìa khóa trao tay EPC) như hệ thống các phân xưởng sản xuất, các nhà máy hoàn chỉnh (bao gồm cả phần kiến trúc, xây dựng). Trong đó phải kể đến các nhà máy bia, nhà máy rượu cồn, nhà máy sữa, nhà máy chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản xuất khẩu, chế biến sau thu hoạch, v.v…
Để có thể chế tạo những thiết bị công nghệ không thua kém các thiết bị nhập khẩu từ châu Âu, POLYCO đã tập trung đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống các nhà xưởng chế tạo cơ khí với các cầu trục tiêu chuẩn quốc tế, nhập khẩu đồng bộ từ châu Âu hàng loạt thiết bị: máy hàn đường sinh plasma, thiết bị hàn tự động Plasma-Tig, các máy công cụ, máy cắt gọt, máy lốc tôn, máy thủy lực, máy miết chỏm cầu, máy phun polyurethane, v.v… GS. TS. Đinh Văn Thuận khẳng định: “Chất lượng, mỹ thuật công nghiệp và công nghệ hiện đại cùng với chữ Tín là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình hoạt động của POLYCO”.
Quả đúng là như vậy, khi khắp dải đất hình chữ S này, POLYCO đã “phủ sóng” với hàng ngàn danh mục công trình, trong số đó có tới 70% các nhà máy bia hiện đại của Việt Nam.
Vườn ươm công nghệ
GS. TS. Đinh Văn Thuận chia sẻ, khi thành lập Công ty, tôi luôn mong muốn sẽ xây dựng POLYCO theo mô hình của một vườn ươm khép kín, nơi nuôi dưỡng ý tưởng, trí tuệ và công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam. Mong muốn đó của ông đã trở thành hiện thực khi POLYCO tích hợp thành công giữa các hoạt động khoa học công nghệ đẳng cấp cao với các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh quy mô lớn bằng việc sở hữu trong tay 11 công ty và các nhà máy thành viên; 3 viện nghiên cứu ứng dụng, các phòng kỹ thuật, nghiên cứu thiết kế chuyển giao công nghệ; Trường Đại học Công nghệ Đông Á với hàng nghìn sinh viên đang theo học; Đầu tư, liên kết, hợp tác quốc tế vào 20 công ty cổ phần, liên kết với nhiều đối tác trong và ngoài nước.
Cũng từ vườn ươm này, POLYCO đã hoàn thành hàng ngàn công trình lớn nhỏ, trong đó có 20 nhà máy bia theo phương thức tổng thầu EPC. Những công trình này sánh ngang các công trình quốc tế về mọi tiêu chí chất lượng kĩ thuật, công nghệ, mỹ thuật, kiểu dáng công nghiệp hiện đại nhưng luôn vượt trội về các chỉ tiêu kinh tế với giá thành và suất đầu tư thấp hơn, tiết kiệm cho Nhà nước và các doanh nghiệp hàng ngàn tỷ đồng. Có một sự kiện đã đi vào “lịch sử” không phải chỉ của riêng POLYCO mà còn của toàn ngành Điện - nhiệt - lạnh, đó là sự sững sờ của giáo sư Sugyama - Chủ tịch Hiệp hội Cơ Điện tử vi mô quốc tế (MEMS) của Chính phủ Nhật Bản, sau buổi làm việc và thăm quan các công trình của GS. TS. Đinh Văn Thuận và GS. VS. Đinh Văn Nhã đã hết sức ngạc nhiên và thốt lên “Các ông là những Siêu nhân (Super Mans)! Các ông đã làm được những điều kì diệu mà hiếm có nhà khoa học hay giáo sư nào ở Việt Nam và ở các nước khác làm được. Điều đó khiến chúng tôi, những người Nhật cũng như giới khoa học quốc tế ngưỡng mộ và khâm phục”.
POLYCO ngày nay đã trưởng thành vượt bậc, từ chỗ chỉ là nhà thầu phụ của các đối tác nước ngoài, đã chấp nhận “học việc” để giờ đây chiếm lĩnh vị thế tổng thầu trong những công trình công nghiệp quy mô lớn là cả một quá trình tự sàng lọc. Những gì POLYCO làm được trong suốt 21 năm qua giản đơn là quyết tâm của hàng ngàn thành viên của POLYCO trong cuộc hành trình lịch sử để nước Việt có một thương hiệu Cơ khí mang tầm quốc tế.
Những phần thưởng cao quý của POLYCO
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ dành cho những công trình có giá trị đặc biệt xuất sắc (2005).
- Giải thưởng và Huy chương Vàng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (2004).
- 2 giải nhất VIFOTECH (2000 và 2004).
- Huân chương Lao động hạng Nhất (2014) cho tập đoàn POLYCO.
- Huân chương Lao động hạng Nhì (2013) và Danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc (2014) cho GS. TS Đinh Văn Thuận.
- Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ (2007 và 2012).
- Cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thành phố và các bộ, ban ngành trao tặng.
- Nhiều năm liền, các công trình của POLYCO được đánh giá là sản phẩm chủ lực của Thành phố Hà Nội (2007-2015).