Trong năm nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán: TLG - sàn HoSE) đặt mục tiêu doanh thu là 4.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 400 tỷ đồng tương đương năm ngoái.
Về cổ tức, Tập đoàn Thiên Long trình cổ đông kế hoạch cổ tức 35%, đã thực hiện tạm ứng 30% và còn lại 5% chưa thực hiện. Bước sang năm 2023, tập đoàn dự kiến cổ tức tiếp tục ở mức 35%. Phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Tập đoàn Thiên Long dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/4 tại TP. Hồ Chí Minh.
Về định hướng kinh doanh, Tập đoàn Thiên Long năm nay sẽ tập trung nâng cao thương hiệu dụng cụ văn phòng phẩm FlexOffice và Colokit; mở rộng kênh phân phối và danh mục sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường chính khu vực Đông Nam Á thông qua việc phát triển các điểm bán mới; nghiên cứu và đẩy mạnh phát triển thêm nhiều mã sản phẩm lưu kho (SKUs) tại mỗi điểm bán; và đẩy mạnh phát triển thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Trong năm 2022, đối với thị trường trong nước, Tập đoàn Thiên Long đã xây dựng hoàn chỉnh 57 cửa hàng chuẩn và 577 điểm bán chuẩn trên toàn quốc, giúp doanh số của các điểm tăng trung bình 10% so với trước khi đầu tư. Tập đoàn cũng đã phát triển các kênh bán hàng trực tuyến và xem đây là kênh phân phối chiến lược trong thời gian tới.
Tập đoàn Thiên Long đã thực hiện nhiều chiến dịch tái định vị cho hầu hết các thương hiệu (ColorKit, Thiên Long, Bizner,..) và mang về hiệu quả rất tích cực. Theo chia sẻ của Tập đoàn Thiên Long, các sản phẩm bút viết đã được nâng cấp để trở thành các dòng sản phẩm cao cấp hơn, về cả thiết kế lẫn chất lượng nét chữ, giúp đạt giá bán cao hơn.
Việc tái định vị đã giúp Tập đoàn Thiên Long giải được bài toán động lực tăng trưởng cho các sản phẩm khi dư địa thị phần không còn quá nhiều cũng như tạo lợi thế cạnh tranh đối với các đối thủ nước ngoài vốn đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường.
Đối với thị trường nước ngoài, Tập đoàn Thiên Long đang tập trung hơn vào mảng văn phòng phẩm, cơ cấu xuất khẩu gồm 50% hàng thương hiệu của Thiên Long và 50% gia công (OEM) cho các đối tác. Trong năm 2022, sau hai năm bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid, Tập đoàn Thiên Long đã ghi nhận tín hiệu tích cực trong việc xuất khẩu các mặt hàng mang chính thương hiệu của Thiên Long (FlexOffice và Colokit) sang những thị trường truyền thống tại Đông Nam Á, đặc biệt là 5 thị trường chủ lực trong khối ASEAN với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lần lượt là Philippines (67%), Myanmar (1.543%), Cambodia (78%), Indonesia (127%) và Malaysia (690%).
Trong đó, thị trường Philippines đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Tập đoàn Thiên Long trong khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn cũng đang đẩy mạnh việc mở rộng tại thị trường Malaysia với việc thành lập công ty liên doanh mang tên ICCO tại đây. Đối với các thị trường ngoài khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Thiên Long cho biết đã phát triển được thêm nhiều khách hàng gia công (OEM) tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và thêm các đối tác phân phối mới tại khu vực Trung Đông và châu Phi.
Động lực tăng trưởng kênh xuất khẩu của Tập đoàn Thiên Long hiện đến từ lợi thế chi phí sản xuất thấp so với các đối thủ trong khu vực và khả năng tự chủ nguyên vật liệu (trừ đầu bút và hạt nhựa).
Cuối năm ngoái, Tập đoàn Thiên Long đã đưa vào hoạt động Nhà máy B2 tại tỉnh Đồng Nai và Trung tâm phân phối hàng hoá tại TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, Nhà máy B2 có thể đạt công suất tối đa 739 triệu sản phẩm dụng cụ học tập mỗi năm, phục vụ thị trường trong nước lẫn quốc tế. Trung tâm phân phối hàng hoá nhằm đảm bảo nâng cao năng lực cung ứng hàng hoá của Tập đoàn.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4, cổ phiếu TLG của Tập đoàn Thiên Long tăng 2,97%, đạt 52.000 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất đạt gần hơn 38.000 cổ phiếu.