25 du học sinh Việt Nam tại INSA Toulouse - Pháp đã cùng mặc áo cờ đỏ sao vàng, hát vang ca khúc "Tôi yêu Việt Nam"
Nể bụng và cũng muốn nghe xem chuyện người Việt bên Tây có gì lạ, tôi mới lân la hỏi, thì bà hàng xóm đã oang oang: Bác ơi, không đơn giản đâu, có tiền cho con đi học nước ngoài cũng mệt lắm đấy.
Rồi bà vanh vách kể. Lúc cháu tốt nghiệp phổ thông xong, định thi vào một trường hàng đầu ở Hà Nội, em nghe mấy anh bạn cùng cơ quan mách bảo, rằng nhà cậu có điều kiện thì nên cho con nó ra nước ngoài học hành, khi về bằng cấp có giá, dễ xin việc. Thế là em bắt chồng em sớt mạng để tìm bằng được những cơ sở tuyển sinh, đào tạo du học, mà đã đi là phải sang Tây, không đi mấy nước châu Á “lèng tèng”, vì Tây nó văn minh, hiện đại lắm. Cuối cùng, nhà em quyết định cho cháu đi Pháp và chọn được Công ty đào tạo du học sinh nước ngoài CT. Khi đến đăng ký, họ cũng yêu cầu nhiều thủ tục, nhưng trước hết, phải cho cháu luyện tiếng vài tháng đã. Được cái, cháu nhà em thông minh, nên sau khi nhờ thầy đến nhà để phụ đạo và theo học một khóa ngắn ngày tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, được làm thủ tục phỏng vấn. Lắm chuyện quá bác ạ. Ngoài tiền gần 10 ngàn đô cho Công ty tuyển sinh, khi phỏng vấn ở Đại sứ quán, còn phải chứng minh tài sản trên thẻ tín dụng khoảng gần chục ngàn đô, đến lúc đi cũng phải cho cháu dăm ngàn để sang tiêu pha ban đầu nữa.
Ngày cháu đi Pháp, cả nhà tiễn lên sân bay. Thương cháu lần đầu xa gia đình, bố mẹ khóc nhòe nước mắt, rồi quay về nhà, mấy ngày sau cứ thấp thỏm, lo âu. Cứ tưởng sang đó là cái công ty tuyển sinh CT ấy sẽ lo hết, từ trường, lớp, nơi ăn chốn ở, vì họ làm dịch vụ mà. Đến khi sang đó rồi, nghe cháu gửi mail về mới biết là họ đưa các học sinh sang đó xong, gần như là họ hết trách nhiệm. Dường như đoán được suy nghĩ của tôi định hỏi về sự thỏa thuận giữa mình với Công ty đó, bà hàng xóm giải thích ngay, thì bác bảo vợ chồng em có biết mô tê gì bên ấy đâu. Họ nói thì mình tin và đưa vào hợp đồng, rồi ký. Cháu nó kể, công ty ấy cũng cho người đón, hướng dẫn một số thủ tục, rồi giới thiệu vài trường để các cháu tự đăng ký học, mà toàn trường xa tít, xa tắp, đi tàu điện vài giờ đồng hồ mới tới. Cũng may là cháu nhà em sáng dạ, nó cũng nhanh trí, làm quen với một số người Việt đang học bên đó để tự tìm nơi ở, tìm trường, tìm ngành để học. Năm đầu tiên, tất cả các sinh viên nước ngoài phải học tiếng và sau mấy tháng, trường tổ chức thi, cháu cũng đạt được số điểm để Trường đại học Pari 1- Sorbonne chính thức nhận vào học chuyên ngành Luật.
Những lần cháu thông tin về nhà, vợ chồng em được biết, bên Pháp họ rạch ròi, minh bạch chuyện học hành lắm, không có chuyện tiêu cực, chạy tiền hay nhờ người thân. Cứ giỏi tiếng thì học sinh được đăng ký ghi danh vào bất cứ trường nào. Các trường đại học công lập được Nhà nước tài trợ phần lớn chi phí đào tạo (học phí bằng 1/30 so với các trường dân lập và quốc tế), sau mỗi năm, các sinh viên phải xuất trình được giấy chứng nhận chăm chỉ của năm học trước và giấy nhập học của năm học kế tiếp sẽ được xét để tiếp tục được Chính phủ Pháp cấp giấy thị thực cho học năm sau. Ngoài ra, trong tài khoản du học sinh phải luôn chứng minh được số tiền để tự trang trải cuộc sống qua các hóa đơn hàng tháng của Ngân hàng gửi về. Rồi bà quay sang tôi hồ hởi như thể vừa mới từ bên Pháp về: Bác ạ, nước ngoài họ cũng tạo điều kiện cho du học sinh lắm. Cháu nó nói chuyện là để sinh viên nước ngoài giảm bớt khó khăn, Chính phủ cho phép mỗi du học sinh được làm thêm không quá 20 giờ một tuần và còn hỗ trợ thuê nhà cho sinh viên, với điều kiện thuê phòng phải có hai người nam, nữ. Nếu không đủ các điều kiện đó thì thuê nhà giá cao, hoặc rất khó khăn nếu chính quyền sở tại kiểm tra, phát hiện không đúng theo quy định. Nghe chuyện bên ấy mà em thấy lạ. Cho thuê phòng mà lại bắt phải là đôi nam, nữ mới được thuê thì chết. May mà con mình là con trai, chứ con gái sang đó thì lo ngay ngáy, bác nhỉ? Chả hiểu thế nào, đúng là Tây thật.
Vẫn như muốn lôi kéo người nghe về chuyện du học của con trai, giọng bà hàng xóm như lo lắng. Bác có biết sau năm đầu, cháu nhà em ghi danh vào học chính thức thì những gì diễn ra không? Nói chung là khi đã cho con đi du học bên ấy thì kinh tế gia đình cũng phải ổn, chứ trông chờ vào đồng lương thì đừng bao giờ nghĩ cho con đi nước ngoài. Cứ sáu tháng, lại phải gửi tiền sang cho con, mà không phải gửi vài ba chục triệu đâu, hàng vài, ba ngàn euro. Muốn gửi sang cũng phải tìm người quen thân qua bên ấy, hoặc có cháu nào về thăm nhà thì nhờ gửi đi, mệt lắm. Có tiền nhiều khi gửi cũng khó, vì không có người sang, mà chậm ngày nào thì cuống lên lo cho con ngày ấy. Mất ăn mất ngủ chứ bác. Gửi sang rồi, lại lo con có giữ được không, hay lại chơi bời, nhậu nhoẹt thì chết. Được cái từ khi cháu sang Pháp giữa năm 2002, vợ chồng em, rồi cả nhà, ai cũng thạo vi tính, biết “chát, chít”. Cháu nó gửi mail về hướng dẫn, thế là cứ tối nào cũng bật máy tính hồi hộp, chờ đợi. Dở một nỗi là giờ của mình với bên ấy cách nhau 6 tiếng đồng hồ nên nhiều hôm phải đợi đến hai, ba giờ sáng mới gặp được cháu. Bác có biết thế nào không? Nhờ có cái webcam ở máy tính mà biết cháu béo hay gầy, rồi có lần hẹn con lên mạng, em giật mình thấy cháu nhuộm tóc vàng hoe, vội gọi ông xã bảo: “Ông xem này, con nó để tóc tai thế kia kìa”. Giận quá, em gào lên. Ông xã em bảo, bà ầm ĩ lên thì giải quyết được gì, để đấy tôi sẽ nói với con. Chả biết ông ấy nói sao mà tuần sau lên webcam thấy tóc nó đen kịt. Thế là nó biết nghe lời, còn yên tâm hơn.
Những năm sau đó, cứ mỗi dịp Lễ Giáng sinh, em cho cháu về chơi. Cháu nó kể, việc đi du học ở đất nước có nền văn minh như Pháp là rất tốt, nhưng nếu đã biết những gì diễn ra bên ấy thì không nên cho con gái đi học. Bởi, không ít cảnh các cháu nữ sinh khi mới sang học bên đó còn lạ nước, lạ cái, nên nhiều sinh viên cũ lân la làm quen, nhận giúp đỡ, rồi vay mượn, thậm chí lừa cả bạn mình. Nhiều trường hợp các cháu vì tin người, vì cũng muốn có chỗ dựa khi không có người quen thân, hay bạn bè yêu đương nên bị lừa hết sạch cả tiền, chỉ biết khóc, thậm chí học hành chểng mảng để đi làm lấy tiền chi tiêu vì không dám báo tin về nhà xin nữa. Cũng không ít cháu thanh niên sang học không theo được chương trình đào tạo của họ, đành bỏ học đi làm thuê, hoặc chạy sang các nước khác. Nói chung là sống theo cách chui lủi, rất khổ sở. Đấy là chưa kể có một số ít đối tượng con em của những người Việt ra đi sau giải phóng miền Nam, lợi dụng học cùng trường, có tư tưởng lôi kéo sinh viên mình tham gia vào các hội tuyên truyền nói xấu, hoặc có biểu hiện chống phá Việt Nam. Rất may, cháu nhà em không dính dáng bất cứ chuyện gì, mà chỉ chuyên tâm học hành. Sau khi học xong, cháu học tiếp cao học bên đó và được một Công ty Luật của Pháp nhận vào làm nhân viên giúp việc. Hiện cháu đang tiếp tục học thêm để có bằng tiến sĩ.
Nghe hàng xóm kể, tôi định hỏi, không biết chuyện học hành của con trai bà tốn phí bao nhiêu, rồi cái sự làm ăn sau này nữa, nhưng nghe từng ấy cũng đủ và thực sự là cũng mừng cho gia đình bà. Với lại, tết nhất đến nơi rồi, ai lại hỏi chuyện tiền nong với một nhà nhiều tiền chứ? Vội dứt câu để về, chứ cứ nghe bà ấy kể thì còn nhiều chuyện khác, có mà đến tối. Thôi, thế là tốt rồi, mai ngày trong cái ngõ phố nhỏ này có thêm một ông tiến sĩ chả oách hơn sao?