Cụ thể, trong giai đoạn này, chương trình đặt mục tiêu thu mua và tái chế hoàn toàn 3.000 tấn vỏ hộp giấy thành những sản phẩm hữu ích như bìa giấy nguyên liệu và mái lợp sinh thái.
Được phát triển từ mô hình hoạt động thu gom vỏ hộp giấy thông qua những người thu gom phế liệu, do Tetra Pak, nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển khởi xướng từ những năm 2010, chương trình thí điểm này tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp với Tetra Pak và tổ chức Circular Action cùng thực hiện.
"Thúc đẩy thu gom vỏ hộp giấy sau khi sử dụng để tái chế luôn là một trong những hoạt động trọng tâm trong công tác phát triển bền vững của Tetra Pak. Chúng tôi làm điều này để hiện thực hóa cam kết bảo vệ những điều tốt đẹp, gồm bảo vệ thực phẩm, con người và trái đất mà Tetra Pak đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua." Ông Eliseo Barcas, Giám đốc Điều hành của Tetra Pak tại Việt Nam chia sẻ. "Chương trình này cũng là sự khẳng định cam kết của Tetra Pak trong việc hỗ trợ cho các khách hàng của mình thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất thu gom bao bì sau khi bán ra."
Điểm khác biệt của chương trình thí điểm lần này so với các hoạt động trước đó là sự phối hợp thực hiện với Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), và việc ứng dụng giải pháp kỹ thuật số để quản lý thu gom vỏ hộp giấy từ tổ chức Circular Action.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến, mô hình vận hành và tính hiệu quả của các dự án thu mua vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng của Tetra Pak – một trong những thành viên sáng lập PRO Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi quyết định cùng phối hợp thực hiện dự án này với kì vọng sẽ mở ra một hướng đi mới về thu gom để tái chế loại bao bì vốn được đánh giá là còn nhiều thách thức trong thu gom, góp phần hỗ trợ cải thiện một phần cuộc sống của những người thu gom phế liệu, đồng thời giúp thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Chúng tôi tin tưởng chương trình thí điểm sẽ thành công và là cơ sở để tăng quy mô số lượng vỏ hộp giấy được thu gom để tái chế lên nhiều lần trong những năm tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc mở rộng việc thu gom để tái chế ra nhiều vật liệu bao bì khác theo mô hình này.
Đây là một trong những dự án tiên phong, thể hiện cam kết mạnh mẽ của PRO Việt Nam trong việc thực hiện Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) – sẽ sớm có hiệu lực vào năm 2024, đồng thời thể hiện cam kết của chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng một Việt Nam xanh – sạch – đẹp."
Điểm đáng lưu ý của chương trình thí điểm này là việc xây dựng nhận thức và khuyến khích những người thu gom phế liệu – với thế mạnh có thể thâm nhập sâu trong cộng đồng – tham gia thu gom vỏ hộp giấy tại nguồn. Ngoài việc vỏ hộp giấy đã qua sử dụng có giá trị thương mại khi được bán cho nhà tái chế, người thu gom phế liệu cũng sẽ nhận được hỗ trợ từ chương trình theo khối lượng họ thu gom.
Thông qua mô hình này, chương trình kỳ vọng xây dựng một hệ sinh thái thu gom và tái chế vỏ hộp giấy ngay từ chính những mắt xích đầu tiên của chuỗi thu gom – những người thu gom phế liệu sẽ giúp tăng tỉ lệ thu gom, tái chế, đồng thời giảm thiểu số lượng vỏ hộp giấy thải ra môi trường, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó cũng cải thiện sinh kế cho những người thu gom phế liệu tham gia chương trình.
Cho đến nay, đã có ba đơn vị thu gom là Lagom, Tiến Thành Paper và VECA xác nhận tham gia chương trình. Các đơn vị này sẽ thu mua vỏ hộp giấy từ những người thu gom phế liệu và bán cho Nhà máy giấy Đồng Tiến ở Bình Dương. Tại đây, vỏ hộp giấy sẽ được tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy bao gói công nghiệp, tấm lợp, tấm phẳng sinh thái. Dự án hướng tới tiếp cận và nhận được sự tham gia của nhiều đơn vị thu gom tương tự, nhờ đó, tăng độ phủ và sản lượng thu gom vỏ hộp giấy trong thời gian tới.
Đóng vai trò là nhà tư vấn và quản lý dự án, ông Thierry Sanders, Chủ tịch của Circular Action, cho biết: "Dự án thử nghiệm này mang lại ba lợi ích cho Việt Nam. Thứ nhất, dự án giúp làm giảm chất thải ra tự nhiên hoặc được vận chuyển đến các bãi chôn lấp.
Thứ hai, dự án giúp gia tăng thu nhập của những người thu gom phế liệu, và thứ ba là tính hiệu quả bởi chúng tôi thanh toán khi đã giao hàng. Ở giai đoạn sau của dự án, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu ứng dụng trên điện thoại để có thể thanh toán trực tiếp cho những người thu gom tham gia vào chuỗi cung ứng, kể cả những người có điều kiện kinh tế thấp nhất".
Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon, Tetra Pak đang nỗ lực để sử dụng nguyên liệu tái sinh và giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Đích đến mà công ty hướng tới là đạt tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái sinh lên tới 100% cho sản phẩm hộp giấy của mình và đưa mức phát thải về bằng không trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mang theo cam kết Bảo vệ Điều tốt, gồm bảo vệ thực phẩm, con người và Trái đất, Tetra Pak đã đẩy mạnh nhiều hoạt động bền vững tại Việt Nam trong 12 năm vừa qua, tập trung cùng với nhiều đối tác địa phương thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng.
Đầu năm 2022, Tetra Pak đã công bố khoản đầu tư trị giá 1,2 triệu euro để nâng cấp và mở rộng năng lực tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại nhà máy giấy Đồng Tiến từ 9.000 tấn/năm lên 17.000 tấn/năm. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị máy móc vào đầu năm 2023 và đưa vào sử dụng vào quý 2 cùng năm.
Công ty cũng hợp tác với các nhà sản xuất sữa để thu gom vỏ hộp sữa tại trường học trong khuôn khổ chương trình sữa học đường và các nhà bán lẻ như Mega Market và AEON MALL triển khai việc thu gom tại các trung tâm mua sắm ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Để tập hợp sức mạnh của khối doanh nghiệp, Tetra Pak đã cùng với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩu sáng lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam với mục tiêu là toàn bộ bao bì do các thành viên trong Liên minh cung cấp cho thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế vào năm 2030.