Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm thiết thực của tổ chức Công đoàn tới lực lượng lao động đang âm thầm bám rừng, giữ đất nơi vùng sâu, vùng xa.
Buổi gặp mặt diễn ra tại Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài, 8 đoàn viên, công đoàn, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận quà từ CĐCTVN và Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam nhân Tháng công nhân năm 2025 là người lao động thuộc 3 đơn vị: Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài, Công ty Lâm nghiệp Tam Thắng và Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn.

Thách thức giữa rừng sâu – Người lao động cần được tiếp sức
Cùng trò chuyện với lãnh đạo và người lao động, Chủ tịch CĐCTVN Lê Anh Hải nhấn mạnh, giá trị phần quà của CĐCTVN không lớn, nhưng là tình cảm của tập thể người lao động toàn ngành gửi đến những người lao động có hoàn cảnh không may mắn với sự tri ân sâu sắc, hy vọng động viên, chia sẻ phần nào khó khăn mà các anh, chị đã, đang phải trải qua.
Bà Ngô Thị Thu Hằng – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết: Năm 2024, Tổng công ty Giấy Việt Nam thực hiện thay đổi phương án tổ chức sản xuất kinh doanh các Công ty Lâm nghiệp trong đó có 3 đơn vị cụm Tân Sơn. Mục đích chính là tạo điều kiện để các đơn vị phát huy tính chủ động, quyết liệt, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, có hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống của người lao động. Theo đó, các đơn vị chủ động xây dựng dự án trồng rừng của đơn vị theo các quy định hiện hành cùa Nhà nước và của Tổng công ty. Tổng công ty tham gia góp vốn bằng tiền mặt tối đa 30% tổng mức đầu tư dự án trồng rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đầu tư vào chi phí cây giống, phân bón, thuê đất, nếu có). Phần vốn còn lại, các đơn vị huy động từ cán bộ công nhân viên, người lao động hoặc các nguồn khác.


Song song với việc thay đổi phương thức quản lý các dự án trồng rừng nguyên liệu Giấy, Tổng công ty cũng chỉ đạo quyết liệt việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, trên nguyên tắc tinh giản bộ máy lao động gián tiếp. Cụ thể, không quá 12 người lao động gián tiếp nếu đơn vị quản lý diện tích rừng trồng từ 1.500ha trở lên; không quá 11 người với các đơn vị quản lý diện tích rừng trồng dưới 1.500ha. Sáp nhập các đội sản xuất tại các công ty phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị, đảm bảo tinh gọn các đầu mối và hoạt động có hiệu quả.
Đối với người lao động khối lâm nghiệp khi thực hiện sắp xếp lại lao động, Tổng công ty thực hiện chi trả chế độ chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 46 Bộ Luật lao động 2019. Ngoài ra. Tổng công ty có trích từ nguồn quỹ phúc lợi của Tổng công ty để hỗ trợ cho người lao động, cụ thể người lao động được hưởng mức hỗ trợ trên cơ sở số năm công tác tại Tổng công ty từ 01/01/2009 đến nay, mỗi năm công tác được hưởng 1/2 tháng lương bình quân 06 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động và tối đa không quá 05 tháng lương. Đối với người lao động còn thời gian công tác dưới 60 tháng đến tuổi nghỉ hưu, ngoài các khoản trợ cấp trên còn được hỗ trợ thêm 02 tháng lương tối thiểu vùng. Tính trong năm 2024, Tổng công ty đã chi trả hơn 2,8 tỷ đồng, trong đó từ nguồn quỹ phúc lợi tập trung 733 triệu cho 103 trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động và 19 trường hợp điều chuyển vị trí công tác từ gián tiếp xuống trực tiếp hoặc điều chuyển về đơn vị khác tại Tổng công ty.
Do đặc thù của sản xuất lâm nghiệp, phần lớn rừng trồng cây nguyên liệu giấy ở các vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, phức tạp, đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro do sâu bệnh, bão lốc, chu kỳ khai thác từ 5-7 năm, cuộc sồng của người lao động khối lâm nghiệp nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, hầu hết người lao động các đơn vị khối lâm nghiệp thu nhập chính dựa vào tiền công nhận trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng; có gia đình có 2, 3 thế hệ đều là công nhân trồng rừng, bởi vậy họ đều yêu rừng, yêu đất, bám rừng, bám đất rừng để sinh sống, chia sẻ những khó khăn cùng đơn vị, cùng Tổng công trong những năm đầu thay đổi phương thức quản lý dự án trồng rừng theo phương án mới với kỳ vọng nâng cao năng suất rừng trồng nguyên liệu giấy, từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, trong đó có nâng cao đời sống của người lao động khối lâm nghiệp.
Mặc dù từ nhiều năm nay người lao động khối Lâm nghiệp đã có sự quan tâm nhất định từ các cơ quan quản lý và tổ chức công đoàn, nhưng vẫn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và đầu tư dài hạn để cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn và nâng cao đời sống cho lực lượng lao động ngành lâm nghiệp – những người đang âm thầm bám rừng, giữ đất mỗi ngày.




"Mái ấm công đoàn" – mái ấm hạnh phúc
Trong số 8 trường hợp được hỗ trợ theo định mức của CĐCTVN, chị Quyền Thị Hường - Công nhân trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Tam Thắng còn được xét hỗ trợ 50 triệu đồng xây “Mái ấm công đoàn”. Chị Hường là trường hợp may mắn, khi cách đây 5 năm, trong một lần khám bệnh định kỳ của Công ty, chị bị phát hiện ung thư vú giai đoạn 2 đã có di căn hạch. Nói may mắn là bởi vì có đi làm ở Công ty, có khám bệnh định kỳ chị mới biết mình có bệnh để kịp thời điều trị. Rồi có đi làm mới có bảo hiểm y tế để được chi trả một phần tiền chữa căn bệnh vốn dĩ vô cùng tốn kém này.
Thời gian nằm viện, được làm thủ tục chuyển về bệnh viện K trung ương để điều trị, toàn bộ thủ tục bảo hiểm chị Hường được cán bộ Công đoàn của Tổng công ty hỗ trợ, lấy được 300 triệu đồng trong gói chữa trị 700 triệu đồng. Không đủ tiền, gia đình chị bán nhà, bán đất lấy tiền quyết tâm giành giật mạng sống với tử thần. Trời không phụ lòng người, chị hợp thuốc, trải qua hoá trị kết hợp điều trị tế bào đích, tóc rụng hết rồi lại mọc, sút cân rồi lại lên cân, giờ sức khoẻ của chị tạm thời ổn định.

Mấy năm nay, cả nhà chị ở tạm trong căn nhà nhỏ của đứa cháu cho ở nhờ. Gọi là nhà, nhưng trông nó chẳng khác gì một túp lều, bên trong chẳng có gì đáng giá. Trong ánh nắng khá gay gắt của buổi chiều hè oi ả, ngôi nhà dường như quá nhỏ khi có khách đến thăm. Ông Dư Kim Thuần - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Thắng đỡ lời cho cô công nhân của mình: "Khi Công ty thông báo với cô Hường là lần này CĐCTVN sẽ hỗ trợ cho nhà cô “Mái ấm công đoàn” số tiền 50 triệu đồng, cô ấy không dám tin. Với nhà cô chú ấy số tiền đó rất lớn, đủ để trả tiền công thợ rồi. Ngôi nhà đang xây đây cũng chỉ mới chỉ đổ móng, vì không có tiền nên dự định xây khoảng 200 triệu, chỉ xây tường 10, làm khung sắt và lợp mái tôn".

Vừa loay hoay tìm đủ ghế cho chúng tôi ngồi, chị Hường vừa cho biết thêm, vợ chồng chị sinh được hai người con. Cháu lớn đang học đại học ở với bà ngoại, được bà ngoại chu cấp cho đi học, còn cháu bé đang học lớp 9 ở với anh chị, nhưng tiền học cũng do bà nội chu cấp, do chị bị bệnh, tiền chi phí chữa trị tốn kém quá. Nay vay mượn anh em bạn bè được ít tiền, cộng thêm số tiền CĐCTVN hỗ trợ, anh chị cất ngôi nhà trên phần đất còn lại để lấy chỗ cả gia đình “an cư, lạc nghiệp”. “Mái ấm này chính là mái ấm hạnh phúc của gia đình em” – chị Hường xúc động nói.

Giữa núi rừng trùng điệp, nơi người lao động lặng lẽ gìn giữ màu xanh bền bỉ, Tháng Công nhân đến như một sự sẻ chia, một cái siết tay ấm áp giữa khó khăn. Những suất quà, những mái nhà hỗ trợ không chỉ là vật chất, mà còn là sự ghi nhận, trân trọng những hy sinh thầm lặng ấy. Và hơn hết, đó là cam kết của tổ chức Công đoàn – luôn sát cánh để mỗi người lao động, dù ở nơi xa xôi nhất, cũng không bị bỏ lại phía sau.