Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm thiết thực của tổ chức Công đoàn tới lực lượng lao động đang âm thầm bám rừng, giữ đất nơi vùng sâu, vùng xa.
Ba lâm trường có công nhân được hỗ trợ dịp này gồm Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài, Công ty Lâm nghiệp Tam Thắng và Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn, với tổng cộng 8 người lao động có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà và trợ cấp.

Thách thức giữa rừng sâu – Người lao động cần được tiếp sức
Bà Ngô Thị Thu Hằng – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết, năm 2024, các lâm trường bắt đầu một chu kỳ đầu tư mới. Theo đó, lực lượng lao động đang phân hóa rõ rệt, một bộ phận có năng lực sẽ tiếp cận được nguồn đầu tư mới, trong khi số còn lại có thể lựa chọn nghỉ việc, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động tại một số vị trí kỹ thuật.
Bắt đầu từ giai đoạn 2023–2024, các đơn vị sẽ phải đáp ứng yêu cầu về tổng mức chi cho công tác kế toán và tổ chức lại cơ cấu quản trị. Cụ thể, đối với các đơn vị quản lý từ 150 ha rừng trở lên, số lượng người lao động không được vượt quá 10 người kể cả giám đốc, phó giám đốc, nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả vận hành. Để giảm áp lực cho người lao động trong giai đoạn chuyển đổi, năm 2024, Công đoàn đề xuất trích khoảng 700 triệu đồng từ quỹ phúc lợi để hỗ trợ một phần chế độ cho những người nghỉ việc hoặc bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh cơ cấu.


Có thể nói người lao động trong ngành lâm nghiệp đang đối mặt với hàng loạt các thách thức trong công tác khai thác và quản lý rừng tại các khu vực có địa hình đặc biệt phức tạp. Với độ cao lớn, nằm sâu trong vùng hẻo lánh, các khu rừng gây nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và vận chuyển gỗ sau khai thác. Chu kỳ khai thác kéo dài từ 5 đến 7 năm, kèm theo những giai đoạn nghỉ để rừng tái sinh, tuy nhiên điều kiện đường sá hiểm trở khiến quá trình vận chuyển tiềm ẩn nhiều rủi ro như sạt lở, mắc kẹt.
Bên cạnh đó, người lao động trong ngành lâm nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề như điều kiện sống thiếu thốn, thu nhập thấp, chế độ bảo hiểm còn hạn chế. Công tác quản lý và đảm bảo an toàn lao động cũng là một bài toán nan giải trong bối cảnh địa hình khắc nghiệt và thiếu nhân lực giám sát.
Mặc dù đã có sự quan tâm nhất định từ các cơ quan quản lý và tổ chức công đoàn, nhưng vẫn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và đầu tư dài hạn để cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn và nâng cao đời sống cho lực lượng lao động ngành lâm nghiệp – những người đang âm thầm bám rừng, giữ đất mỗi ngày.




"Mái ấm công đoàn" – mái ấm hạnh phúc
Trong số 8 trường hợp được hỗ trợ theo định mức của CĐCTVN, chị Quyền Thị Hường - Công nhân trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Tam Thắng còn được xét hỗ trợ 50 triệu đồng xây “Mái ấm công đoàn”. Chị Hường là trường hợp may mắn, khi cách đây 5 năm, trong một lần khám bệnh định kỳ của Công ty, chị bị phát hiện ung thư vú giai đoạn 2 đã có di căn hạch. Nói may mắn là bởi vì có đi làm ở Công ty, có khám bệnh định kỳ chị mới biết mình có bệnh để kịp thời điều trị. Rồi có đi làm mới có bảo hiểm y tế để được chi trả một phần tiền chữa căn bệnh vốn dĩ vô cùng tốn kém này.
Thời gian nằm viện, được làm thủ tục chuyển về bệnh viện K trung ương để điều trị, toàn bộ thủ tục bảo hiểm chị Hường được cán bộ Công đoàn của Tổng công ty hỗ trợ, lấy được 300 triệu đồng trong gói chữa trị 700 triệu đồng. Không đủ tiền, gia đình chị bán nhà, bán đất lấy tiền quyết tâm giành giật mạng sống với tử thần. Trời không phụ lòng người, chị hợp thuốc, trải qua hoá trị kết hợp điều trị tế bào đích, tóc rụng hết rồi lại mọc, sút cân rồi lại lên cân, giờ sức khoẻ của chị tạm thời ổn định.

Mấy năm nay, cả nhà chị ở tạm trong căn nhà nhỏ của đứa cháu cho ở nhờ. Gọi là nhà, nhưng trông nó chẳng khác gì một túp lều, bên trong chẳng có gì đáng giá. Trong ánh nắng khá gay gắt của buổi chiều hè oi ả, ngôi nhà dường như quá nhỏ khi có khách đến thăm. Ông Dư Kim Thuần - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Thắng đỡ lời cho cô công nhân của mình: "Khi Công ty thông báo với cô Hường là lần này CĐCTVN sẽ hỗ trợ cho nhà cô “Mái ấm công đoàn” số tiền 50 triệu đồng, cô ấy không dám tin. Với nhà cô chú ấy số tiền đó rất lớn, đủ để trả tiền công thợ rồi. Ngôi nhà đang xây đây cũng chỉ mới chỉ đổ móng, vì không có tiền nên dự định xây khoảng 200 triệu, chỉ xây tường 10, làm khung sắt và lợp mái tôn".

Vừa loay hoay tìm đủ ghế cho chúng tôi ngồi, chị Hường vừa cho biết thêm, vợ chồng chị sinh được hai người con. Cháu lớn đang học đại học ở với bà ngoại, được bà ngoại chu cấp cho đi học, còn cháu bé đang học lớp 9 ở với anh chị, nhưng tiền học cũng do bà nội chu cấp, do chị bị bệnh, tiền chi phí chữa trị tốn kém quá. Nay vay mượn anh em bạn bè được ít tiền, cộng thêm số tiền CĐCTVN hỗ trợ, anh chị cất ngôi nhà trên phần đất còn lại để lấy chỗ cả gia đình “an cư, lạc nghiệp”. “Mái ấm này chính là mái ấm hạnh phúc của gia đình em” – chị Hường xúc động nói.

Giữa núi rừng trùng điệp, nơi người lao động lặng lẽ gìn giữ màu xanh bền bỉ, Tháng Công nhân đến như một sự sẻ chia, một cái siết tay ấm áp giữa khó khăn. Những suất quà, những mái nhà hỗ trợ không chỉ là vật chất, mà còn là sự ghi nhận, trân trọng những hy sinh thầm lặng ấy. Và hơn hết, đó là cam kết của tổ chức Công đoàn – luôn sát cánh để mỗi người lao động, dù ở nơi xa xôi nhất, cũng không bị bỏ lại phía sau.