Thành lập Nhóm công tác hỗn hợp Khu hợp tác kinh tế qua biên giới

Ngày 24 tháng 10 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 7893/QĐ-BCT về việc thành lập Nhóm công tác hỗn hợp Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Mục tiêu của Bản ghi nhớ

Nhóm công tác gồm 17 thành viên đại diện cho các Vụ, Cục liên quan trong Bộ, do ông Phạm Sỹ Chung, hàm Vụ trưởng Vụ Kế hoạch làm Trưởng Nhóm. Theo Quyết định này, Nhóm công tác có chức năng làm đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo nội dung Bản Ghi nhớ (MOU) về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới ký ngày 13/10/2013 giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương nước ta và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc. Sau khi được thành lập, Nhóm công tác đã xây dựng Quy chế hoạt động và lập kế hoạch triển khai công việc liên quan đến Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.

Bản Ghi nhớ về Khu hợp tác Kinh tế qua biên giới đã đặt nền tảng pháp lý cho quan hệ hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước. Với mô hình Khu hợp tác Kinh tế qua biên giới, hai bên mong muốn mô hình này góp phần thuận lợi hoá lưu chuyển về hàng hoá, người, phương tiện giao thông, cũng như cung cấp dịch vụ quản lý nhanh gọn, tiện lợi và có hiệu quả, xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh có sức cạnh tranh.Về ý nghĩa chính trị, việc xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới sẽ góp phần thúc đẩy đoàn kết các dân tộc và ổn định xã hội vùng biên giới, tăng cường láng giềng hữu nghị và tin cậy chính trị.

Mục tiêu chủ yếu của Bản ghi nhớ (MOU) là hai bên sẽ cùng lựa chọn khu vực có đủ điều kiện để xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới; cùng nghiên cứu vấn đề cơ bản về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới và cùng nhau xác định Đề án tổng thể chung xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Khi có đủ điều kiện, hai Bên sẽ trình Chính phủ mỗi nước phê chuẩn Đề án tổng thể chung để làm cơ sở cho việc ký kết Hiệp định về Khu hợp tác Kinh tế qua biên giới giữa hai nước.

Những nội dung hoạt động chủ yếu.

- Xác định các lĩnh vực hợp tác: Chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy hải sản.

- Xây dựng cơ chế quản lý và các ưu đãi, đảm bảo đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong các Khu hợp tác qua biên giới;

- Xác định các khu chức năng (Khu bảo thuế, Khu chế xuất, Khu gia công sản xuất, Khu dịch vụ...);

- Xây dựng cơ chế để giám sát các hoạt động: xuất nhập cảnh, hải quan, ngoại hối, kiểm nghiệm, kiểm dịch đồng thời đơn giản hóa các thủ tục này.

Theo Kế hoạch triển khai công tác từ nay đến hết năm 2014, Nhóm công tác dự kiến thực hiện một số công việc sau:

- Tổ chức các đoàn công tác làm việc với các tỉnh ở khu vực biên giới tiếp giáp với Trung Quốc để nghiên cứu, khảo sát các địa điểm thích hợp (có tính đến các Khu kinh tế đang hoạt động của phía Trung Quốc) để lập quy hoạch xây dựng Khu hợp tác Kinh tế qua biên giới

- Tổ chức đi nghiên cứu nước ngoài: Nghiên cứu, khảo sát ở Trung Quốc và ở châu Âu và Mỹ.

- Nghiên cứu xây dựng đề cương Đề án tổng thể chung về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới

- Phối hợp với các Bộ ngành, địa phương liên quan để trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu hợp tác Kinh tế qua biên giới (địa phương nào có đủ điều kiện về phát triển hạ tầng sẽ ưu tiên làm trước)


TS. Phạm Sỹ Chung