Hội thảo đã đưa ra một xu thế tất yếu trong tương lai của các thành phố, rộng hơn là quá trình đô thị hoá là phát triển theo hướng xanh và bền vững, bởi theo những nghiên cứu mà Siemems đưa ra tại Hội thảo thì các thành phố có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế bởi 80% GDP trên toàn thế giới được tạo ra tại các thành phố. Tuy nhiên với những nhu cầu đặc biệt, khu vực này cũng là nơi tiêu thụ đến 75% nguồn năng lượng , 60% lượng nước sạch của cả thế giới và chịu trách nhiệm về 70% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu (chủ yếu là khí CO2). Số liệu này còn cho thấy, 1/2 dân số thế giới đang sinh sống tại các thành phố. Và theo dự đoán, đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 2 tỷ người sinh sống tại các thành phố lớn- chiếm khoảng 60% dân số thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không ảnh hưởng đến sự thoả mãn của các nhu cầu của thế hệ tương lai và theo đó, thành phố phát triển bền vững là sự cân bằng giữa tính cạnh tranh về mặt kinh tế với các vấn đề môi trường và chất lượng cuộc sống.
Theo nghiên cứu của Công ty Siemems, Việt Nam là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn hiện nay vì có tất cả các điều kiện cần (nền tảng)để phát triển trong tương lai như: Vị trí địa lý ưu đãi; Tự do môi trường kinh doanh; Thành viên tằng trưởng nhanh nhất trong khối; Tự do và môi trường kinh doanh cải thiện; Dân số trẻ và có trình độ văn hoá, Dòng vốn FDI lớn so với GDP. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hoá quá nhanh hiện nay, tại nhiều thành phố của Việt Nam (đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) đang phải đối mặt với nhiều thách thức như áp lực về cơ sở hạ tầng, giao thông, rác thải đô thị, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng và bất ổn xã hội cũng như chất lượng cuộc sống của các cư dân đô thị…
Đi tìm giải pháp cho những thách thức này của Việt Nam chính là mục tiêu xây dựng các thành phố bền vững trong đó vừa phải đảm bảo thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế đất nước nhưng vẫn kiểm soát được những ảnh hưởng về sinh thái, cơ sở hạ tầng xã hội, cũng như cuộc sống chất lượng cao cho cư dân. Vấn đề các chuy ên gia, cũng như những nhà quản lý xem như chìa khoá cho những thách thức này tại Hội thảo là sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên môi trường và ứng dụng những công nghệ giải pháp tiên tiến với những mô hình toà nhà thông minh, vành đai xanh và đô thị vệ tinh xanh…
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ rằng: “Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là phát triển hiệu quả và bền vững một hệ thống đô thị quốc gia, trong đó có các đô thị trung tâm với quy mô và tính chất đa dạng được phân bổ trên không gian lãnh thổ toàn quốc, phát triển đô thị không chỉ phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng”.
Trước những thách thức mà Việt Nam đang phải đối diện, ông Lothar Herrmann- Tổng giám đốc Siemens khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương cho rằng “Mang lại những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ tốt nhất có thể cho các thành phố chính là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng và là một phần trong chiến lược tăng trưởng của công ty Siemems. Dải sản phẩm, hệ thống và toàn diện dịch vụ của Siemems mang lại giải pháp bền vững cho các thành phố đang đối mặt với thách thức ở nhiều lĩnh vực như giao thông, tòa nhà, chiếu sáng, cung cấp năng lượng, y tế, nước và an ninh”. Đối với chính phủ và cơ quan có liên quan Ông Lotthar cũng đưa ra lời đề nghị việc thay đổi công nghệ không nhất thiết phải tiến hành cùng một lúc mà nên xem xét theo từng thời điểm (xem cái nào phù hợp) dần dần từng bước một.
Phó chủ tich VCCI ông Đoàn Duy Khương cho rằng: "để xây dựng các thành phố phát triển bền vững tại Việt Nam thì cần chung tay của nhà quản lý các nhà quy hoạch và đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp nhất là trong vấn đề đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như những cam kết trong sản xuất: sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên, nhiên liệu .thân thiện với môi trường".