Nhiều rào cản, vướng mắc tiêu thụ tro, xỉ
Báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tổng hợp số liệu từ 23 Nhà máy nhiệt điện cho thấy, lượng tro, xi phát sinh hàng năm khoảng 12,2 triệu tấn, trong đó, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc (chiếm 60%), miền Trung (chiếm 21%) và miền Nam (chiếm 19%). Thế nhưng việc tiêu thụ, tro, xỉ đạt tỷ lệ còn thấp, năm 2017, chỉ tiêu thụ được 4 triệu tấn (khoảng 30%). Nguyên nhân tro xỉ tiêu thụ hạn chế là do thị trường vẫn còn thói quen sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống, giá thành gạch không nung cao. Trong khi đó, các chính sách văn bản pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Sở dĩ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng
chưa mặn mà với tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện vì vẫn còn thiếu các chính
sách về thuế (thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch
không nung, thuế tài nguyên và môi trường đối với các sản phẩm gạch nung truyền
thống) để tạo chênh lệch giá giữa sản phẩm gạch nung với gạch không nung. Đặc
biệt, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa tro
bay và bụi lò hơi có dầu từ các nhà máy nhiệt điện than vào danh mục chất thải
nguy hại.
Quy định này khiến các nhà máy phải tốn kém kinh phí phân tích thành
phần tro, xỉ nhưng kết quả là đều thấp hơn ngưỡng chất thải nguy hại theo quy
định. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro,
xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng
còn thiếu, trong khi nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chưa phù hợp
với thực tế cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ.
Tham dự Hội thảo, các đại biểu cho rằng, không nên đánh đồng tất cả tro - xỉ nhiệt điện đều là chất thải nguy hại, không nên quy định “cứng” chỉ cấp diện tích bãi thải tối đa 2 năm, hay không nên bắt buộc Bộ Công Thương phải hướng dẫn và phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro - xỉ mà nên để các nhà máy nhiệt điện chủ động tự lập và phê duyệt.
Ông Nguyễn Hữu Phiên, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho biết, Hiện tại nhu cầu san lấp mặt bằng rất lớn, trong khi đất, cát ngày càng hiếm nên chúng tôi rất mong có quy định tiêu chuẩn cho phép dùng tro - xỉ nhiệt điện để làm vật liệu san lấp mặt bằng. Đồng thời, cần có chiến lược tuyên truyền để làm thay đổi thói quen tiêu thụ gạch nung, chuyển sang gạch không nung để bảo vệ môi trường”.Từ hiệu quả trong việc đi tiên phong sản xuất gạch không nung, ông Vũ Thanh Tuyền, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Tuyền Group chia sẻ: “Để có nhà máy sản xuất gạch không nung Thanh Tuyền như hôm nay, Tôi chia tay 1 nhà máy gạch nung để tiên phong làm gạch không nung từ nguồn tro - xỉ của Công ty nhiệt điện Đông Triều. Đi học mô hình trong nước không phù hợp, tôi phải cất công mang theo tro - xỉ ra nước ngoài và may mắn tìm được dây chuyền phù hợp của Nhật.
Hiện tại, các sản phẩm gạch xây, ngói mầu, gạch lát vỉa hè, gạch ốp lát nội ngoại thất cao cấp của Thanh Tuyền đã được tiêu thụ rộng khắp cả nước và xuất khẩu ra Tây Ban Nha, Pháp, Italia… Tuy vậy, doanh nghiệp sản xuất gạch không nung gặp phải nhiều khó khăn. Đó là công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ chủ yếu của Trung Quốc còn nhiều hạn chế, trong khi công nghệ của các nước tiên tiến khác đồi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Nhà nước cần có một chính sách toàn diện cho việc quản lý, vận chuyển, sử dụng và tiêu thụ tro - xỉ nhiệt điện, nhất là về hành lang pháp lý, ưu đãi về thuế, tín dụng cho loại hình kinh doanh về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm ra thị trường cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu các chứng nhận chất lượng của các cơ quan nhà nước...
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
TS. Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn
và Môi trường công nghiệp cho biết: với tình hình như hiện nay, dự kiến trong
vài năm tới, lượng tro - xỉ này sẽ không còn chỗ để chứa. Vì thế, cần thiết
phải có một cách đánh giá chính xác về nguy cơ này để có một chính sách toàn
diện, hiệu quả cho việc quản lý, vận chuyển và xử lý, tiêu thụ tro - xỉ của các
nhà máy nhiệt điện . Ngày 7/3/2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã
làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa
học và Công nghệ bàn giải pháp xử lý, chế biến tro xỉ và tháo gỡ khó khăn theo
hướng tạo điều kiện thông thoáng hơn trong quá trình quản lý, sử dụng và tiêu
thụ tro, xỉ.
Ông Trần Văn Lượng đề nghị sớm sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” để các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ dễ dàng tiếp cận và tái chế tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than. Đồng thời đề nghị các Bộ như: Bộ Xây Dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền...
Theo PGS. TS Bạch Đình Thiên, Viện Nghiên cứu ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, nếu xử lý tốt tro, xỉ, hàng năm có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản, hàng trăm ha diện tích làm bãi chứa và quan trọng hơn là xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường chất thải rắn từ NMNĐT, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.Vì vậy, các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.