Thế giới trong vòng xoáy giá năng lượng tăng cao
Theo dữ liệu của chuyên trang tài chính tổng hợp Trading Economics (Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent hiện tăng hơn 53%, giá khí tự nhiên tại Bắc Mỹ tăng 91% và giá than đá tại Australia cũng tăng 128% so với hồi đầu năm.
Giá hầu hết các loại năng lượng chủ chốt trên thế giới liên tục tăng lên kể từ giữa năm ngoái, chủ yếu do nhu cầu sử dụng tăng vọt khi hàng loạt nền kinh tế tái mở cửa và suy giảm nguồn cung dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Tình trạng này đang tạo ra một “vòng xoáy” nguy hiểm đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, giá năng lượng tăng khiến chi phí sản xuất đắt đỏ hơn, nhiều cơ sở kinh doanh trên toàn cầu buộc phải giảm công suất hoặc tạm ngưng hoạt động như các nhà máy phân bón, thép tại châu Âu và các trung tâm thương mại tại Pakistan. Điều này dẫn tới nguồn cung nhiều loại hàng hoá thiếu hụt, chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy, khiến giá cả lại tiếp tục tăng lên, sức tiêu dùng suy yếu và làm trầm trọng thêm những bất ổn kinh tế - xã hội mà nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải đương đầu trong suốt 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua.
Các nhà phân tích nhận định nền kinh tế toàn cầu đến thời điểm hiện tại vẫn chống chịu được với việc giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, “cơn bão giá” năng lượng sẽ lớn hơn trong thời gian tới khi Liên minh châu Âu (EU) quyết liệt áp dụng các biện pháp cấm vận nhắm vào các mặt hàng năng lượng của Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga hiện là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Theo tính toán của hãng nghiên cứu kinh tế Moody’s Analytics (Hoa Kỳ), giá dầu thô cứ tăng thêm 10 USD/thùng thì tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 0,1% vào năm sau đó. Áp lực giá hàng hoá tăng mạnh dưới sự dẫn dắt của nhóm hàng năng lượng còn buộc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu phải đẩy nhanh hơn việc siết chặt chính sách tiền tệ, khiến rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn hơn.
Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết không như những cuộc khủng hoảng năng lượng trước đây vốn chỉ giới hạn ở một loại năng lượng, cuộc khủng hoảng lần này diễn ra khi thế giới thiếu hụt cùng lúc cả dầu, khí đốt và điện. Ông Fatih Birol cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng lần này có thể nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng giá dầu những năm 1970 – nguyên nhân chính gây ra tình trạng đình lạm (lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng chậm) đối với nền kinh tế toàn cầu trong suốt những năm 1970.
Giá năng lượng có thể lập đỉnh mới
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy công suất khai thác dầu dự phòng tại các quốc gia không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) trong tháng 5 đã giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đối với các quốc gia thành viên khối OPEC là 45%. Công suất dự phòng là phần công suất khai thác có thể đưa vào sử dụng ngay trong vòng 30 ngày và duy trì trong ít nhất 90 ngày để đáp ứng các nhu cầu thị trường gia tăng đột biến.
Sự sụt giảm mạnh của công suất khai thác dầu thô dự phòng trên toàn cầu đồng nghĩa với việc sản lượng khai thác dầu thô khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới và thị trường thiếu đi “bộ đệm” cần thiết để đối phó với bất kỳ cú sốc nhu cầu nào, khiến giá dầu thô dễ biến động mạnh.
Trên thực tế, sản lượng khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ trong tháng 5 thấp hơn mục tiêu khai thác đến 2,7 triệu thùng/ngày khi nhiều quốc gia thành viên liên minh đã cạn kiệt công suất khai thác dự phòng. Liên minh OPEC+, bao gồm tổ chức OPEC và 10 quốc gia ngoài khối OPEC, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu toàn cầu.
Đối với các sản phẩm lọc hoá dầu, dữ liệu của IEA cho thấy công suất lọc dầu trên toàn cầu trong năm 2021 đã lần đầu tiên giảm xuống sau 30 năm, giảm 730.000 thùng/ngày. Trong tháng 4 vừa qua, công suất lọc hoá dầu toàn cầu chỉ đạt 78 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 82,1 triệu thùng/ngày trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Về phía nhu cầu, IEA cho biết mặc dù giá dầu thô tăng vọt và triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu nhưng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2023 được dự báo sẽ tăng 2% so với năm 2022, chạm mức cao kỷ lục 101,6 triệu thùng/ngày. Mức này cũng vượt ngưỡng nhu cầu sử dụng dầu của toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Trong khi đó, OPEC nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ vượt mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra ngay trong quý 3 năm nay với giả định Trung Quốc sẽ sớm dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đưa các hoạt động kinh tế trở về bình thường. Kết hợp các yếu tố cơ bản trên thị trường, một số chuyên gia nhận định giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Ngày 10/6, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) ông Suhail Al-Mazrouei cảnh báo "Với mức nhu cầu sử dụng dầu thô hiện giờ, chúng ta vẫn còn xa ngưỡng giá kỷ lục, bởi Trung Quốc thậm chí còn chưa tái mở cửa nền kinh tế".
Đồng quan điểm trên, bà Amrita Sen, chuyên gia phân tích thị trường tại hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects (Anh), nhận định “Giá dầu thô đang ở mức 120 USD/thùng khi không có Trung Quốc. Vì thế, nếu Trung Quốc quay trở lại thị trường thì giá dầu sẽ tăng cao hơn nữa”.
Thậm chí, ngân hàng đầu tư Bank of America (BofA, Hoa Kỳ) đưa ra nhận định giá dầu thô Brent có thể vượt ngưỡng 150 USD/thùng trong ngắn hạn nếu như lượng dầu thô xuất khẩu của Nga suy giảm mạnh trong thời gian tới.
Đối với mặt hàng than đá, hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy) vừa cảnh báo giá than đá trên thế giới có thể vượt ngưỡng 500 USD/tấn trong năm 2022 - mức cao nhất trong vòng 200 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều nước châu Âu phải tăng cường huy động nguồn nhiệt điện than để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng từ Nga. Hồi giữa tháng 3 vừa qua, một số lô hàng than nhiệt lượng cao (6.000 kcal) xuất từ Australia, đã đạt mức giá 400 USD/tấn (giá FOB).
Một số nhà phân tích kỳ vọng cuộc khủng hoảng năng lượng lần này có thể sẽ kết thúc khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine chấm dứt, giống như cách mà cuộc khủng hoảng giá dầu những năm 1970 kết thúc vào tháng 10/1974 khi Israel và liên minh các quốc gia Ả-rập đạt thoả thuận ngừng bắn.