Tỉ lệ đúng giờ “lý tưởng” trên thế giới
Việc điều hành bay để đảm bảo chỉ số đúng giờ cho các chuyến bay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo Flightstar, các yếu tố khách quan bất khả kháng như: thời tiết, hạ tầng cơ sở, hạ tầng trên không, dịch bệnh... ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ đúng giờ của các chuyến bay bên cạnh yếu tố năng lực điều hành khai thác của hãng hàng không,
Đây là những lí do khiến chỉ số OTP rất khó đạt 100% và tỉ lệ đúng giờ xấp xỉ 90% đã được xem là "lý tưởng". Tại khu vực châu Âu, OTP trung bình của các hãng hàng không thường đạt khoảng 80% còn khu vực Bắc Mỹ chỉ đạt khoảng 75-80%.
Vừa qua, tổ chức nghiên cứu thị trường OAG Aviation Worldwide đã khảo sát và công bố xếp hạng các hãng hàng không đúng giờ nhất thế giới năm 2019, dựa trên các tiêu chí như hãng phải nằm trong top 250 thế giới về số ghế cung ứng trên 1km và có số lượng chuyến bay khai thác trong năm trên 30.000 chuyến.
Theo đó, chỉ 3 hãng hàng không giành vị trí đúng giờ nhất giới là PR Garuda (Indonesia) và Copa Airlines (Panama) và Skymark Airlines (Nhật Bản) đạt được tỉ lệ đúng giờ trên 90%. 2 hãng hàng không còn lại trong top 5 là Hawaiian Airlines và LATAM Airlines Group đạt mức OTP lần lượt là 87,4% và 86,4%.
Cuộc đua đúng giờ của hàng không Việt xoay chuyển
Tại Việt Nam, năm 2019 là năm thứ 4 Cục Hàng không Việt Nam công khai số liệu về tỉ lệ hoãn hủy chuyến và chỉ số đúng giờ của các hãng hàng không nội địa, nhằm tăng sức cạnh tranh về dịch vụ giữa các hãng. Bên cạnh đó, Cục cũng đã triển khai phương thức điều hành bay mới, ưu tiên cho các hãng hàng không chấp hành kế hoạch bay tốt nhất. Các chuyến bay đến trước nhưng chậm giờ sẽ phải bay chờ để nhường cho chuyến đúng giờ hạ cánh trước.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong 2 năm 2017, 2018, Vasco liên tục là hãng hàng không đứng đầu về chỉ số đúng giờ, với tỉ lệ OTP lần lượt đạt 96,1% và 96,6%, cao hơn mức trung bình của toàn thị trường hàng không dân dụng lúc đó (gồm 4 hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco).
Bước sang năm 2019, thị trường hàng không Việt đã chứng kiến sự xoay chuyển ấn tượng trong cuộc đua đúng giờ với sự gia nhập của hãng hàng không “tân binh” Bamboo Airways.
Chỉ sau 1 năm cất cánh, Bamboo Airways đã soán ngôi quán quân về tỉ lệ đúng giờ với OTP trung bình cả năm 2019 đạt 94,1%, cao hơn mức trung bình của cả Việt Nam và thế giới, theo sát thành tích của hãng hàng không đứng đầu thế giới về tỉ lệ đúng giờ là PT Garuda.
Đáng chú ý trong tháng 12/2019, Bamboo Airways đạt tỉ lệ đúng giờ 96,1% so với tỉ lệ chung của toàn ngành là 89,6%, cũng là tỉ lệ đúng giờ tính theo tháng cao nhất kể từ khi Hãng cất cánh chuyến bay đầu tiên và là OTP cao nhất mà một hãng hàng không nội địa Việt Nam đang khai thác thương mại đạt được trong cả năm 2019.
“Vũ khí” cạnh tranh lành mạnh
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường hàng không nội địa ngày càng sôi động với sự hoạt động của nhiều hãng hàng không nội địa và quốc tế, hành khách có rất nhiều sự lựa chọn bay cho mỗi hành trình. Do đó, có nhiều yếu tố mới sẽ ảnh hưởng đến quyết định của hành khách bên cạnh yếu tố về giá, có thể kể tới như tính an toàn, thái độ phục vụ của tiếp viên và nhân viên mặt đất và đặc biệt là tính đúng giờ.
Theo một báo cáo của Ctrip và VariFlight - công ty công nghệ thông tin chuyên về dữ liệu hàng không, 21% hành khách cảm thấy việc bay đúng giờ là đặc biệt quan trọng và có xu hướng tiếp tục chọn hãng bay có chỉ số OTP cao.
Đại diện một hãng hàng không cho biết “Tính đúng giờ ngày càng là yếu tố được hành khách coi trọng, nhất là trên các đường bay nội địa với số giờ bay ngắn. Cùng một khung giờ bay, chặng bay, có thể có nhiều hãng hàng không cùng khai thác, hãng hàng không nào có lịch sử khai thác đúng giờ cao hơn, uy tín hơn sẽ trở thành đơn vị được hành khách ưu tiên lựa chọn”.
Bên cạnh đó, để đảm bảo các chuyến bay đúng giờ và duy trì tỉ lệ OTP cao đòi hỏi các hãng hàng không phải chuyên nghiệp hóa từ mọi khâu khai thác cũng như áp dụng các biện pháp mới để tối ưu thời gian làm thủ tục cho hành khách. Đây vừa là động lực thúc đẩy các hãng hàng không nâng cao chất lượng dịch vụ để trở thành lợi thế cạnh tranh, lại vừa trở thành lợi ích thiết thực cho khách hàng.
Thời gian chờ đợi vì hoãn hủy chuyến của hành khách sẽ ngày càng được giảm thiểu, hạn chế những thiệt hại và mệt mỏi do chuyến bay bị trì hoãn cất, hạ cánh hay hủy bỏ. Trong thời đại mà thời gian chính là tiền bạc thì sau cùng, đằng sau cuộc đua đúng giờ này, hành khách chính là người hưởng lợi nhiều nhất.