Bộ Giao thông vận tải vừa có quyết định công bố Danh mục 11 cảng cạn Việt Nam.
Theo đó, Danh mục các cảng cạn gồm: 1- Cảng cạn (ICD) Hải Linh (Phú Thọ); 2- Cảng cạn Km 3+4 Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; 3- Cảng cạn Tân Cảng Hải Phòng; 4- Cảng cạn Đình Vũ - Quảng Bình; 5- Cảng cạn Hoàng Thành; 6- Cảng cạn Long Biên; 7- Cảng cạn Tân Cảng Hà Nam; 8- Cảng cạn Phúc Lộc - Ninh Bình; 9- Cảng cạn Tân Cảng Nhơn Trạch; 10- Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ; 11- Cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1.
Như vậy, danh mục mới đã bổ sung cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn và các quy định của pháp luật có liên quan.
Ngày 06/01/2023 Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có quyết định công bố mở cảng cạn Tân cảng Long Bình giai đoạn 1 tại số 10 Phan Đăng Lưu, KP7, phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cảng cạn này có diện tích giai đoạn 1 là 24,8 ha do Công ty cổ phần ICD Tân Cảng Long Bình làm chủ đầu tư.
Bộ GTVT giao chủ đầu tư khai thác, kinh doanh dịch vụ và thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng cạn phù hợp với quy định Nghị định số 38/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ; đồng thời thực hiện các trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp khai thác cảng theo quy định.
Công ty cổ phần ICD Tân Cảng Long Bình chỉ tổ chức khai thác cảng cạn khi đã hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định và đúng mục đích, phù hợp với các giai đoạn đầu tư, bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống cháy, nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Chủ đầu tư có trách nhiệm khai thác, bảo trì các công trình, hạng mục theo đúng mặt bằng, diện tích giai đoạn 1 đã được công bố và các quy định hiện hành; mọi trường hợp cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng công trình phải báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Bộ GTVT đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước chuyên ngành tại Cảng cạn Tân Cảng Long Bình theo quy định tại Nghị định số 38/2017/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan.
Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cảng cạn theo quy định tại Nghị định số 38/2017/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan.
ICD Tân Cảng - Long Bình hiện có diện tích khai thác 105ha, gồm 30 kho hàng, tổng diện tích gần 500,000m2 được xây dựng theo tiêu chuẩn cao, thực hiện nhiều chức năng khác nhau như Kho ngoại quan, kho nội địa, kho CFS, kho phân phối, kho mát, kho lạnh, kho hóa chất nguy hiểm, và các loại kho được thiết kế riêng biệt theo nhu cầu của khách hàng.
Vào tháng 3/2010, điểm Kiểm hóa tập trung tại ICD Tân Cảng - Long Bình khai trương và chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định 206/QĐ - TCHQ của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, với tổng diện tích: 3ha bao gồm Khu kiểm tra hàng hóa và Khu vực bãi, cho phép 100 xe các loại đỗ cùng một lúc, đồng thời cho phép đóng/rút các loại hàng hóa giữa xe tải – xe container thuận tiện.
Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế.
Việc phát triển cảng cạn có định hướng theo quy hoạch thống nhất nhằm tổ chức vận tải hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa container một cách hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, sau 4 năm thực hiện quy hoạch chi tiết cảng cạn được phê duyệt, đã có 10 cảng cạn trên cả nước được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần tăng hiệu quả kết nối cảng biển với nguồn hàng rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hàng hóa, tăng hiệu suất xử lý hàng hóa tại cảng biển. Bên cạnh đó, tổ chức vận tải giữa cảng biển đến nguồn hàng xuất nhập khẩu từng bước được cải thiện thông qua sự hình thành các cảng cạn gắn với đường thủy nội địa, giảm lưu lượng vận tải đường bộ.