HRC – Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất được
Việc quyết định đầu tư sản xuất HRC đã đưa Tập đoàn Hòa Phát thành doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam với dòng sản phẩm công nghiệp có giá trị cao này. Với HRC, Hòa Phát tự chủ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ống thép, tôn mạ, vỏ container,…đồng thời cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá thành cạnh tranh cho các nhà máy cơ khí chế tạo khác tại Việt Nam. Quan trọng hơn, sản phẩm này sẽ giúp doanh nghiệp thép trong nước chủ động nguồn nguyên liệu và tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tránh các dòng thuế bảo hộ đang ngày càng phổ biến hiện nay.
Ngược dòng thời gian 4 năm về trước, ngày 30/9/2017, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và Tập đoàn Danieli (Italia) đã ký kết hợp đồng cung cấp hạng mục đúc phôi Slab mỏng và cán nóng thép dải công suất 3,5 triệu tấn/năm cho Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi). Đây là dây chuyền đúc cán tấm mỏng hiện đại, đảm bảo chất lượng HRC cao nhất, tiêu hao năng lượng thấp và thân thiện với môi trường.
Theo hợp đồng, Danieli sẽ chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ dây chuyền nhà máy sản xuất thép cuộn cán nóng mang tên QSP (Quality Strip Product) - tổ hợp Đúc - Cán liên tục. Tổ hợp dây chuyền bao gồm: 02 Máy đúc phôi tấm, 02 Lò nung Tuynel, 01 Nhà máy cán tấm mỏng. Sản lượng của Nhà máy đạt 3,5 triệu tấn/ năm. Sản phẩm là thép cuộn cán nóng, mác thép cacbon thấp, cacbon thấp thép hợp kim thấp cường độ cao, cacbon trung bình, cacbon trung bình thép hợp kim thấp cường độ cao. Sản phẩm được dùng để sản xuất các loại ống thép đặc biệt, tôn lợp và các sản phẩm đặc thù khác.
Tại buổi lễ hôm đó, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh hạng mục sản xuất HRC là hạng mục quan trọng nhất của dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất. Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết: “Hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất được thép cuộn cán nóng, phải nhập khẩu 100%. Do đó, đây sẽ là sản phẩm mới do Hòa Phát – một doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất được”.
HRC cũng chính là điểm nhấn quan trọng nhất của Hòa Phát Dung Quất. Sản phẩm thép dẹt yêu cầu rất khắt khe và chặt chẽ từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho tới công đoạn nấu luyện và cuối cùng là công đoạn cán. Thép lỏng sau khi nấu luyện đạt chất lượng sẽ được chuyển sang Nhà máy QSP, tại đây quy trình đúc-cán liên tục được diễn ra với đầu vào là thép lỏng và đầu ra là HRC. Việc làm chủ được công nghệ và dây chuyền sản xuất HRC là một thách thức rất lớn đối với toàn CBCNV của Nhà máy QSP cũng như các phòng ban liên quan.
Làm chủ công nghệ sản xuất HRC bằng cách nào?
Ông Nguyễn Quang Tùng – Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất chia sẻ, sản xuất HRC hay bất cứ sản phẩm thép nào cũng cũng đều có hai yếu tố trọng yếu nhất. Thứ nhất là công nghệ được lựa chọn. HRC cũng có nhiều công nghệ sản xuất ra nó và vì thế chất lượng không hoàn toàn như nhau, chi phí sản xuất (cả mức đầu tư) cũng khác nhau. Hòa Phát chọn công nghệ tốt nhất của châu Âu. Yếu tố thứ hai là con người. “Giống như công nghệ sản xuất đa số các hàng hóa khác, con người luôn là yếu tố trọng yếu. Khi con người làm chủ được thiết bị, công nghệ sẽ khiến nó hoạt động sản xuất hiệu quả”, ông Tùng nói.
Ở Khu liên hợp thời gian qua, có nhiều đối tác nước ngoài tham gia là các công ty, tập đoàn lớn như Danieli, SMS Châu Âu…tham gia cung cấp, lắp đặt, hỗ trợ vận hành. Trong đó, Danieli đã hợp tác với Hòa Phát 20 năm, họ nhanh bắt nhịp với dự án hơn, triển khai công việc bài bản, quy củ. Làm bất kỳ việc gì đều đúng trình tự, tuân thủ nghiêm yêu cầu kỹ thuật. Do vậy, kết quả làm việc của họ thường đạt tốt nhất về mặt chất lượng.
Do là lần đầu tiên triển khai dự án sản xuất HRC, khối lượng thiết bị lớn, đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Hòa Phát Dung Quất gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Mỗi giai đoạn, hạng mục đều phải thảo luận, lập quy trình chi tiết rất kỹ và mất nhiều thời gian. Việc thiếu nhân lực và kinh nghiệm khi triển khai lắp đặt, vận hành cũng là thách thức lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ châu Âu đã hướng dẫn chuyển giao công nghệ một cách tỷ mỉ cho đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, công nhân vận hành của Nhà máy, từ khâu lắp đặt và nghiệm thu chạy thử thiết bị cho đến hỗ trợ vận hành suốt 1 năm đầu hoạt động. Anh Bùi Văn Tiệp – Giám đốc Nhà máy QSP cho biết, việc chuyển giao cũng giống như việc học vậy, không gì bằng học trên thực tế. Số lượng được đào tạo thực tế là 550 người, trong đó có 20% là kỹ sư có chuyên môn sâu.
“Chúng tôi chọn cách đào tạo kiểu cầm tay chỉ việc, từ đó CBCVN mới thực sự hiểu và nắm được các kiến thức vận hành. Phải nói khả năng nắm bắt chuyên môn kỹ thuật của anh em nhà máy đều rất khá, có không ít cán bộ nhân viên nổi trội, nắm bắt nhanh. Làm việc với các chuyên gia nước ngoài, chúng ta cũng học hỏi được phong cách làm việc chuyên nghiệp. Cho đến nay, anh em nhà máy đã cơ bản làm chủ công nghệ, tự vận hành sản xuất được HRC, tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn cần sự hỗ trợ từ Danieli”, anh Tiệp cho biết.
Tháng 4/2020, dây chuyền QSP chính thức cho ra sản phẩm thép cuộn cán nóng đầu tiên sau bao nỗ lực ngày đêm của tập thể CBCNV Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Và đến tháng 2/2021, nhà máy đã cán mốc 1 triệu tấn HRC sau 9 tháng vận hành thử. Theo đánh giá của Danieli, đây được coi là một kỷ lục về tiến độ vận hành dự án. Khối lượng sản xuất tăng đều đặn từ 10-15%, hiện đạt khoảng 220-250.000 tấn mỗi tháng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, có những lúc đơn hàng vượt 300% khả năng sản xuất của nhà máy.
Đón đầu cơ hội tăng trưởng với HRC
Lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh cốt lõi, đóng góp trên 80% doanh thu lợi nhuận sau thuế 2020. Từ đầu năm 2021, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt hơn 8 triệu tấn/năm. Với công suất này, Hòa Phát đã vươn lên vị trí số 1 về sản xuất thép thô tại Đông Nam Á và tương đương với nhà sản xuất đứng thứ 48 trong tốp 50 đơn vị sản xuất thép thô lớn nhất toàn cầu.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ, tổng nhu cầu thép cuộn cán nóng của Việt Nam năm 2020 là 12 triệu tấn, bình quân thị trường này tăng 10%/năm. Hiện nay tại Việt Nam, hai nhà sản xuất thép cuộn cán nóng là Hòa Phát và Công ty Formosa có sản lượng khoảng 8 triệu tấn. Rõ ràng, nhu cầu thị trường với sản phẩm này còn rất lớn và đây là cơ hội để mở rộng quy mô sản xuất, vượt lên chiếm lĩnh thị phần HRC.
Ông Trần Đình Long cũng không ngại “bật mí” kế hoạch phát triển trong 10 năm tới của Hòa Phát là xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Ông Long nói: “Hiện nay mỗi tháng Hòa Phát sản xuất 250.000-300.000 tấn thép cuộn cán nóng nhưng nếu có 1 triệu tấn cũng bán hết, nhu cầu thép trên thị trường là rất lớn và lâu dài”.
Chính vì vậy, Hòa Phát đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Dung Quất 2 từ đầu năm 2022. Dự án có quy mô công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng. Tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng từ ngày được bàn giao đất và cấp phép xây dựng.
Dù tổng vốn đầu tư còn lớn hơn dự án Dung Quất 1 nhưng Chủ tịch Trần Đình Long rất tự tin và khẳng định không cần huy động vốn qua việc phát hành thêm cổ phiếu. "Cổ đông không phải bỏ thêm tiền đâu, bởi cơ cấu vốn cho Dung Quất 2 là khoảng 50% vốn chủ và 50% vốn vay. Tỷ lệ vay ròng trên vốn chủ sở hữu của Hòa Phát đang ở mức rất an toàn", ông Long nói.
Với diện tích 284ha, Dung Quất 2 dự kiến có tổng đầu tư 85.000 tỷ đồng, trong đó, vốn cố định là 70.000 tỷ đồng, vốn lưu động 15.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành dự án này, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ đạt gần 14 triệu tấn/năm, trong đó, riêng HRC là 8 triệu tấn. Dự kiến, Tập đoàn Hòa Phát sẽ lọt vào tốp 25 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025 với doanh thu hàng năm có thể đạt trên 200.000 tỷ đồng, trong đó HRC dự kiến đóng góp hơn một nửa số này.