Triển vọng tích cực đối với loạt thị trường xuất khẩu trọng điểm
Theo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu trong năm 2023 ước tăng 1,8% so với năm 2022, cải thiện tích cực so với mức giảm tới 3,3% của năm ngoái. Trong năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự báo tiếp tục tăng 1,9%, đạt mức 1,84 tỷ tấn với động lực tăng trưởng chính đến từ khu vực Liên minh châu Âu (EU) (tăng 5,8% so với năm 2023), Ấn Độ (tăng 7,7%), và khu vực ASEAN (tăng 5,2%).
Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho một số doanh nghiệp thép Việt Nam, đặc biệt là Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE). Thép Nam Kim hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thép lớn nhất Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm tôn mạ. Hơn 60% sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp này là đến từ các thị trường xuất khẩu với các thị trường chủ lực là EU, ASEAN và Australia.
Bên cạnh đó, Thép Nam Kim đang được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp nhất ở nhiều thị trường tiềm năng với ngành thép Việt Nam như Canada, Mexico, Australia và Malaysia.
Dữ liệu mới nhất cho thấy các thị trường chính của Thép Nam Kim đều nằm trong nhóm có sự phục hồi sản lượng thép tích cực trong 10 tháng đầu năm 2023 như khu vực EU (tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2022) và Australia (tăng 9,1%).
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Thép Nam Kim, hiện doanh nghiệp đang tập trung khai thác thị trường EU, Australia, và ASEAN, sau đó mới đến Mỹ do rào cản cao tại thị trường Mỹ khi mức thuế lên đến 25% cùng với giá cước vận tải Việt Nam - Mỹ ở mức cao, không đem lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty.
Đối với thị trường nội địa, nhu cầu thép tại Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi rõ rệt trong năm 2024 nhờ vào hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực trở lại và thị trường bất động sản hồi phục nhờ mặt bằng lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cùng với đó là việc giải ngân lượng vốn đầu tư công khổng lồ.
Hiện Thép Nam Kim đang nằm trong top 03 doanh nghiệp tôn mạ có thị phần lớn nhất tại Việt Nam (chiếm 17,3% thị phần, tính đến cuối quý 3/2023). Đáng chú ý, đối với sản phẩm ống thép, Thép Nam Kim đang có sự tăng trưởng thị phần tiêu thụ liên tục trong các năm gần đây. Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ống thép của Thép Nam Kim đã cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng toàn ngành, chiếm 7,4% toàn thị phần.
Hưởng lợi từ giá thép dần phục hồi
Hoạt động kinh doanh của Thép Nam Kim nói riêng, các doanh nghiệp ngành thép nói chung còn hưởng lợi từ việc giá thép trong nước đã dần phục hồi.
Sau 19 lần giảm giá liên tục trong 9 tháng đầu năm 2023, giá thép các loại tại Việt Nam đã đảo chiều với 03 lần tăng liên tiếp kể từ cuối tháng 11/2023 đến nay. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) hiện dự báo giá thép trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới với biên độ từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn cho từng kỳ nâng giá.
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đà tăng của giá thép trong nước đến từ việc chi phí đầu vào tăng (quặng sắt, điện, thép phế liệu…) cùng với đó là giá thép thế giới tăng giá rõ rệt. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Mỹ, EU đã bắt đầu tăng từ đầu tháng 10/2023, lần lượt đạt 1.146 USD/tấn và 727 USD/tấn. Giá thép xây dựng thế giới cũng đã bật tăng trong đầu tháng 11/2023 khi vượt qua mức 3.800 Nhân dân tệ/tấn.
Giá thép thế giới tăng chủ yếu do nguồn cung hạn chế, thời gian giao hàng kéo dài bởi ảnh hưởng của các xung đột quân sự, địa chính trị làm chi phí năng lượng tăng cao. Đồng thời, loạt lò luyện thép tại EU tạm dừng hoạt động để bảo trì trong khi nhu cầu không thực sự giảm khiến căng thẳng nguồn cung gia tăng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đang tích cực vực dậy thị trường bất động sản nước này và có thể tung ra thêm các chính sách kích thích kinh tế mới, bao gồm các khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, giúp thúc đẩy nhu cầu sử dụng thép trong thời gian tới.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 15/12, thị giá cổ phiếu NKG đạt 23.250 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 87% so với hồi đầu năm nay.