Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tấn Hoành - Phó Tổng giám đốc Công ty với phóng viên Tạp chí Công Thương.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hệ thống dây chuyền sản xuất hiện nay của Công ty theo tiêu chuẩn 4.0?
PTGĐ Nguyễn Tấn Hoành: Vì sở hữu hệ thống dây chuyền theo công nghệ mới nhất đầu những năm 2000 và hệ thống thiết bị hoàn toàn trong khối G7, nên có thể tạm coi là đang đạt ở mức 3.0 so với tiêu chuẩn 4.0 hiện nay (cười).
Nhìn nhận kỹ hơn là thế này. Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL bắt đầu hoạt động từ năm 2005 trong lĩnh vực sản xuất thép cán nguội với tổng công suất theo thiết kế là 405.000 tấn/năm. Chiều dày trung bình 2,50 mm cho nguyên liệu đầu vào và 0,53 mm cho sản phẩm thép đầu ra.
Hệ thống sản xuất của Công ty theo công nghệ cán 4 trục của Danieli (Ý) với quy trình vận hành qua 5 dây chuyền: Tẩy rửa; Cán nguội đảo chiều; Ủ mềm; Là nắn; Cuộn lại, bao gồm các sản phẩm: thép tấm cán nguội cứng, thép tấm cán nguội mềm, và thép tấm cuộn tẩy rửa theo tiêu chuẩn JIS của Nhật Bản, DIN của châu Âu và ASTM của Mỹ.
Chính vì yêu cầu chất lượng cao như vậy, nên ngay từ khi thành lập, Công ty đã xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý tiêu chuẩn ISO 9001:2000, đồng thời áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001:2004 để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư các hệ thống, thiết bị với công nghệ tiên tiến như: hệ thống xử lý nước thải; hệ thống tái sinh axít; hệ thống xử lý khói, bụi nhằm hướng tới nền sản xuất sạch, thân thiện môi trường.
Để đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất, Công ty luôn chú trọng thực hiện kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống nhằm duy trì sự ổn định của thiết bị trong quá trình hoạt động. Thiết bị và công nghệ được thường xuyên cập nhật từ các chuyên gia của nhà cung cấp. Nhờ vậy, trải qua gần 15 năm vận hành, đến nay các thiết bị, dây chuyền hoạt động luôn ổn định, ít có sự cố lớn xảy ra, hiệu suất hoạt động của thiết bị, dây chuyền luôn đạt hơn 85%, tốc độ của các dây chuyền đạt được theo tốc độ thiết kế.
PV: Vậy theo ông, để sản xuất ra sản phẩm sạch Công ty cần phải làm những gì?
PTGĐ Nguyễn Tấn Hoành: Tác nhân chính gây biến đổi khí hậu trong ngành thép là sự phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Đổi mới và áp dụng công nghệ sản xuất để làm ra sản phẩm sạch không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh mà còn góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp.
Với đặc thù công nghệ khác nhau thì xu hướng công nghệ sạch cũng có những đặc thù riêng. Tuy nhiên, Công ty cũng định hướng tập trung xử lý các yếu tố chính sau: Đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; Nâng cao hiệu suất hoạt động của dây chuyền, thiết bị để giảm tiêu hao năng lượng; Sử dụng nguồn nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường (khí tự nhiên); Tuần hoàn, tái sử dụng chất phát thải tại chỗ (nước làm mát các động cơ)…
Đây cũng chính là những giải pháp về sản xuất sạch hơn, về tiết kiệm năng lượng, về cải tiến năng suất… tích hợp để tiến tới sản xuất thép sạch và thân thiện môi trường.
PV: Công ty đã làm thế nào để việc đầu tư đổi mới công nghệ cân đối với tình hình sản xuất kinh doanh?
PTGĐ Nguyễn Tấn Hoành: Trước đây, các cơ sở sản xuất trong nước có thói quen chọn lựa dây chuyền công nghệ theo tư duy “truyền thống” có giá thành đầu tư, giá thành vận hành thấp, dễ quản lý, bảo hành, bảo trì đơn giản. Trong khi đó, để phát triển bền vững thì cần phải đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm với những đặc trưng sử dụng nguyên, nhiêu liệu ít, thân thiện với môi trường, phát sinh ít hoặc không phát sinh ra chất thải.
Thiết bị cán nguội của Công ty là công nghệ mới, tiên tiến của Italia, thiết bị dây chuyền đồng độ, tự động hóa hoàn toàn và được nhập khẩu từ các nước thuộc khối G7 đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Sản phẩm sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn Quốc tế như JIS của Nhật, ASTM của Mỹ và DIN của châu Âu.
Trước mỗi dự án đầu tư, nâng cấp chúng tôi đều cân nhắc, bàn bạc rất kỹ. Cần phải xác định và làm rõ tính cần thiết, cấp bách trong đầu tư, xây dựng các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để triển khai hoặc cắt giảm các dự án đầu tư, xác định chi phí phải trả và khả năng sinh lợi, chi phí xử lý các nguồn phát thải (nếu có), yêu cầu rút ngắn tiến độ, sớm đưa vào áp dụng nhằm nhanh chóng mang lại hiệu quả đầu tư.
Với cách làm này, các dây chuyền đầu tư của Công ty đều nhanh chóng vận hành đạt hiệu quả.
PV: Trong đó, vai trò của việc cải tiến liên tục đóng góp thế nào vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty, thưa ông?
PTGĐ Nguyễn Tấn Hoành: Đối với Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSTEEL thì việc cải tiến hợp lý hóa sản xuất là việc làm thường xuyên, liên tục, theo phong trào sáng kiến cải tiến chung của Tổng công ty Thép Việt Nam. Xuyên suốt trong mọi chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Công ty đặc biệt chú trọng phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa công việc trong mọi lĩnh vực.
Vì là hợp lý hóa sản xuất, để người lao động làm việc thuận tiện nhất, đạt năng suất cao nhất nên phong trào được đông đảo CBCNV hưởng ứng. Nhiều sáng kiến, giải pháp quản lý đã góp phần tháo gỡ được những khó khăn, mang lại hiệu quả cao khi tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường lao động và điều kiện làm việc.
Trong 2 năm gần đây, toàn Công ty đã có hơn 36 sáng kiến được công nhận, trong số đó có nhiều sáng kiến rất có giá trị. Mặc dù quỹ khen thưởng còn hạn chế, nhưng CBCNV vẫn phát huy sáng tạo và có những sáng kiến mang lại giá trị làm lợi rất lớn, hỗ trợ không nhỏ trong việc hoàn thành kế hoạch sản xuất và kinh doanh của Công ty.
Lãnh đạo Công ty cũng nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó có vai trò quan trọng của những sáng kiến cải tiến sản xuất. Do đó, Lãnh đạo Công ty đã và đang tạo điều kiện cho CBCNV phát huy tính sáng tạo, phát huy lợi thế cạnh tranh bằng chính nội lực của mình, nhằm đưa Công ty phát triển ổn định và bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!