Thi đua, khen thưởng cần chú ý người lao động trực tiếp

(Chinhphu.vn) - Sáng 26/12, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trần Thị Hà chủ trì Hội nghị.

Báo cáo của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho biết năm 2014, công tác thi đua, khen thưởng có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng được nâng lên.

Phong trào thi đua có nhiều sáng tạo, đổi mới trong việc tổ chức, phát động; các phong trào thi đua phát triển cả về chiều sâu, chiều rộng, đều khắp trên các lĩnh vực, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước. Các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả hơn.

Theo bà Trần Thị Hà, công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về thi đua, khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến có những chuyển biến rõ nét, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan truyền thông trong việc giới thiệu các điển hình tiên tiến.

Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thi đua, khen thưởng các cấp.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là, việc bình xét và công nhận danh hiệu thi đua ở một số Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, chưa đúng quy định, chưa bảo đảm quy trình, thủ tục như một số cá nhân được công nhận chiến sỹ thi đua các cấp nhưng không có sáng kiến, hoặc sáng kiến chưa được áp dụng có hiệu quả; việc công nhận "tập thể lao động xuất sắc" không đúng thẩm quyền, một số cá nhân và tập thể được khen thưởng nhưng thành tích chưa tiêu biểu. Cá biệt, có những trường hợp được khen thưởng cấp Nhà nước nhưng chưa được phát huy, giữ vững, lan tỏa. Hơn nữa, việc đề nghị các hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua cấp Nhà nước vẫn chủ yếu tập trung vào đối tượng cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.

Bên cạnh đó, năng lực tham mưu của công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng của một số Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Nhất là việc phát hiện các điển hình tiên tiến trong quần chúng để tham mưu cho cấp trên khen thưởng còn ít, vẫn trông chờ vào cấp dưới trình lên.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị phải chú ý khen thưởng các đối tượng là công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu bật những đổi mới và chuyển biến trong công tác thi đua, khen thưởng năm qua, góp phần tạo động lực, động viên kịp thời, khơi dậy lòng yêu nước và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cho rằng trong công tác thi đua khen thưởng vẫn còn những hạn chế. Đó là một số nơi người đứng đầu địa phương, đơn vị vẫn chưa coi trọng công tác thi đua, còn "nể nang" trong công tác thi đua.

Phó Chủ tịch nước đề nghị năm 2015 công tác thi đua, khen thưởng cần có hình thức và phong trào phù hợp nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH, chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

Công tác thi đua, khen thưởng tập trung chủ đề tạo đồng thuận cao, thi đua về đích gấp rút để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 5 năm tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; phát động phong trào thi đua phù hợp với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, có mô hình hay. Đặc biệt, phải chú ý khen thưởng các đối tượng là công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp nhằm khích lệ, động viên họ kịp thời.