Bà Nguyễn Thị Nhi - Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE (Thép Việt Đức, mã cổ phiếu VGS - sàn HNX) vừa đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu VGS nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 11/11 đến 6/12/2024 theo phương thức khớp lệnh.
Tạm tính theo giá kết phiên giao dịch 11/11 của cổ phiếu VGS là 33.700 đồng/cổ phiếu, ước tính bà Nguyễn Thị Nhi có thể thu về khoảng 50,6 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của bà Nguyễn Thị Nhi tại Thép Việt Đức giảm từ 4,48% xuống chỉ còn 1,8% vốn điều lệ.
Trước đó, từ ngày 4/10 đến 31/10/2024, bà Nguyễn Thị Nhi đã bán ra thành công 633.000 cổ phiếu VGS và mua vào 3.000 cổ phiếu VGS. Trong đó, việc mua vào cổ phiếu được bà Nguyễn Thị Nhi cho biết là do đặt nhầm lệnh mua/bán.
Qua đó, tỷ lệ sở hữu của bà Nguyễn Thị Nhi tại Thép Việt Đức giảm từ 5,6% còn 4,48% như hiện nay, đồng thời không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp thép này. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VGS đã tăng gần 60%.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Nhi đã có đơn xin từ nhiệm vai trò Thành viên HĐQT Thép Việt Đức nhiệm kỳ 2022-2026 từ ngày 30/09/2024 vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, do Đại hội đồng cổ đông công ty chưa thông qua, các Sở giao dịch vẫn đang ghi nhận bà Nhi là Ủy viên HĐQT Thép Việt Đức.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm, Thép Việt Đức ghi nhận doanh thu đạt 5.682 tỷ đồng và lãi ròng đạt 35,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 10% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 64% kế hoạch lãi cả năm nay.
Triển vọng kinh doanh thời gian tới của Thép Việt Đức được kỳ vọng sẽ duy trì đà phục hồi tích cực nhờ giá bán lẫn nhu cầu tăng trở lại.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Vietcombank, giá thép có khả năng rất cao đã tạo đáy và bắt đầu đi vào chu kỳ tăng giá trở lại trong vài năm tới nhờ vào các chính sách kích thích thị trường bất động sản mạnh mẽ được Chính phủ Trung Quốc phát động kể từ quý 3/2024.
Về phía nguồn cung, Chính phủ Trung Quốc đã hoãn phê duyệt các dự án thép sử dụng than mới từ năm 2024 để bảo vệ môi trường và hạn chế nguồn cung mới. Hơn nữa, các tỉnh sản xuất thép chính của nước này như Hà Bắc và Giang Tô đã cắt giảm 20% - 30% sản lượng do lợi nhuận gộp xuống đáy 5 năm.
Tại thị trường Việt Nam, đà phục hồi của nhu cầu sử dụng thép đang dần được củng cố. Theo hãng nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE, tổng cung căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong năm nay dự kiến đạt 12.000 căn, tăng 40% so với năm 2023. Ước tính số căn hộ mới ra mắt trong năm 2025 tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng thêm 2% và tại TP.Hồ Chí Minh tăng thêm 90% so với năm 2024.
Hơn nữa, dòng vốn FDI đổ về Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU với Trung Quốc tăng lên, nhiều nhà sản xuất lớn đẩy nhanh kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam. Xu hướng này sẽ mở rộng hoạt động xây dựng, sản xuất, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng thép và các sản phẩm từ thép.