Đây được xem là liều vaccine cần thiết để giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Thực tế cho thấy, liều vaccine “thanh lọc” này đang dần tạo ra những “kháng thể” cần thiết cho thị trường.
Thuốc đắng dã tật!
Ngày 6/01/2022, VN-Index đạt mức cao nhất lịch sử tại 1.528,6 điểm. Tuy nhiên, ngay sau đó, hành động bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC nhưng không công bố thông tin vào ngày 10/01/2022 đã gây chấn động thị trường. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định chưa từng có trong lịch sử là hủy bỏ toàn bộ giao dịch trên.
Tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công An) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán, tạo cung - cầu giả để “lái” giá cổ phiếu tăng 70 - 1.700%.
Vụ án này được xem là điểm nổ của các cơ quan điều hành trong việc siết chặt kỷ cương, quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính. Theo sau đó là loạt vụ án bị cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng, gồm các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua phát hành trái phiếu tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cho tới các vụ án thao túng giá của nhóm Louis Holdings và nhóm APEC.
Các thông tin khởi tố liên tiếp, cùng với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân (những người chiếm đến 90% thanh khoản toàn thị trường và cũng là các chủ thể rất nhạy cảm với các thông tin) đã rút tiền khỏi thị trường chứng khoán
Mức đóng cửa thấp nhất của năm 2022 là 911,9 điểm ngày 15/11/2022, tương đương mức giảm 40,3% so với hồi đầu năm. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trên toàn cầu trong năm 2022. Thanh khoản cả năm 2022 giảm hơn 21% về giá trị so với năm 2021.
Mặc dù VN-Index “bốc hơi”, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đều chung nhận định việc siết chặt kỷ cương trên thị trường tài chính là điều cần thiết. Nếu các sai phạm không được kịp thời xử lý, sẽ lại xuất hiện nhiều vụ “bán chui” cổ phiếu, gây xói mòn lòng tin của nhà đầu tư, sẽ lại có thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu của nhà đầu tư đổ vào những doanh nghiệp “rỗng ruột” bị trục lợi. Những vụ việc này rồi sẽ đổ vỡ ở thời điểm nào đó trong tương lai nhưng khi đó quy mô ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều và gây ra các rủi ro hệ thống.
Động thái lành mạnh hoá lần này giống như một liều vaccine “thanh lọc” dành cho thị trường, loại bỏ những “khối u” cũng như chặn đứng các “mầm bệnh” tiềm tàng. Thuốc đắng mới dã tật, đây là yếu tố tích cực cho sự phát triển của thị trường trong dài hạn.
Hơn nữa, việc xử lý các sai phạm cho thấy quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong thúc đẩy sự minh bạch, lành mạnh của thị trường chứng khoán, với mục tiêu phát triển thành kênh cung ứng vốn lâu dài, bền vững cho nền kinh tế.
Niềm tin dần quay trở lại
Các diễn biến thực tế cho thấy liều vaccine “thanh lọc” đang bắt đầu tạo ra những kết quả tích cực.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, mặc dù không có thống kê chính thức nhưng không khó để thấy hàng loạt nhóm chat với hàng nghìn thành viên trên các mạng xã hội vốn được lập ra để hô hào về những cổ phiếu tăng nóng đã bị xoá chủ động.
Nhiều nhà đầu tư F0 sau giai đoạn khốc liệt của thị trường đã chủ động tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Các quyết định đầu tư được dựa trên các thông tin, số liệu chính thức thay vì dựa trên cảm tính và các tin đồn như “Ngân hàng S. sắp vỡ nợ, Tập đoàn N. sắp thâu tóm công ty X”. Nhà đầu tư cá nhân dần nhận ra, vấn đề quan trọng và tác động trực tiếp tới thị trường từ ngắn hạn đến dài hạn chính là nền tảng kinh tế vĩ mô và sức khoẻ của doanh nghiệp.
Về phía các tổ chức niêm yết, các doanh nghiệp dần đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động IR (Quan hệ nhà đầu tư) nhằm gắn kết hơn với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Ngoài các thông tin phải công bố theo luật định, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tổ chức các hoạt động trao đổi thông tin, giúp các nhà đầu tư nắm rõ hơn về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Báo cáo khảo sát IR 2023 do Vietstock & Fili thực hiện cho thấy, có đến 99% doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí không “vi phạm giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ”, cho thấy các cổ đông nội bộ ngày càng có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về giao dịch cổ phiếu.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hoạt động yếu kém, vi phạm các quy định đã chủ động hoặc bị các cơ quan điều hành buộc hủy niêm yết, giúp gạn lọc rổ cổ phiếu trên thị trường.
“Kháng thể” của thị trường còn được sinh ra từ các tổ chức trung gian. Trong thời gian qua, loạt hãng chứng khoán tập trung vào nâng cao nghiệp vụ đội ngũ broker (môi giới) để cạnh tranh bằng chất lượng thay vì tăng trưởng nóng về số lượng, chạy đua thị phần.
Sự cải thiện về “sức khỏe tâm lý” thị trường đã được chứng minh phần nào khi các con số gây sốc về sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được chính thức công bố hồi giữa tháng 11/2023 nhưng thị trường chứng khoán đã không xảy ra tình trạng “bán tháo” như một số lo ngại.
Dữ liệu của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2023, tổng số tài khoản nhà đầu tư đạt 7,25 triệu tài khoản, tăng 6,6% so với cuối năm 2022. Trong đó, lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, đạt gần 45.200 tài khoản tính đến cuối tháng 10/2023.
Những dữ liệu trên cho thấy sau khi nhận liều vaccine “thanh lọc”, “sức khỏe” của thị trường đang dần phục hồi, niềm tin của giới đầu tư trong và ngoài nước đang quay trở lại. Nếu như trong quý 1/2023, giá trị giao dịch bình quân/phiên trên toàn thị trường chỉ khoảng 11.300 tỷ đồng (giảm 44% so với bình quân cả năm 2022) thì kể từ quý 2/2023, giá trị giao dịch đã vượt mốc 20.000 tỷ đồng/phiên; thậm chí, đã liên tiếp có những phiên cán ngưỡng “tỷ đô”.
Đáng chú ý, ngày 18/8/2023, sàn HoSE ghi nhận gần 1,65 tỷ cổ phiếu được trao tay - mức cao nhất trong suốt hơn 23 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam; xét theo giá trị, giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 36.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD).
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 15%, cao nhất đến 25% vào tháng 8/2023. Thống kê của Bloomberg cho thấy, Việt Nam một lần nữa trở thành thị trường chứng khoán sinh lợi nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhiều tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước cùng chung nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang sẵn sàng tăng tốc trở lại trong năm sau khi nền kinh tế kỳ vọng hướng tới sự phục hồi mạnh mẽ. Các động lực thúc đẩy tăng trưởng chủ chốt, gồm: sản xuất chế tạo và xuất khẩu phục hồi tích cực, nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng, thị trường bất động sản hồi phục, đầu tư tư nhân “rã băng”, đầu tư công quyết liệt, và dòng vốn FDI ấn tượng.
Đặc biệt, theo Nasdaq, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam còn đến từ tiềm năng nâng hạng thị trường khi các nỗ lực cải thiện tính minh bạch, khung thể chế, cơ chế… của Việt Nam đang được thị trường quốc tế ghi nhận. Dự báo, sẽ có từ 1,5 tỷ USD đến 4 tỷ USD được đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi thị trường được nâng hạng từ thị trường cận biên như hiện nay lên thị trường mới nổi.
23 năm, nếu so với thị trường chứng khoán thế giới và khu vực, thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn non trẻ và có thể sẽ vẫn cần thêm những liều vaccine “thanh lọc” nhưng đây là quy luật tất yếu để thị trường phát triển bền vững, sẵn sàng “thăng hoa” trong những chu kỳ phát triển mới.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 12/2023, VN-Index đã tăng khoảng 15%, cao nhất đến 25% vào tháng 8/2023. Thống kê của Bloomberg cho thấy, Việt Nam một lần nữa trở thành thị trường chứng khoán sinh lợi nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhiều tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước cùng chung nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sẵn sàng tăng tốc vào năm 2024.
Dự báo, sẽ có từ 1,5 tỷ USD đến 4 tỷ USD được đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi thị trường được nâng hạng từ thị trường cận biên như hiện nay lên thị trường mới nổi.