Đầu tháng 12/2023, giá đường trong nước duy trì ở mức trung bình 22.000 đồng/kg, đi ngang so với tháng 11/2023 và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022. Đà tăng của giá đường phần nào hạ nhiệt khi Việt Nam bước vào niên vụ mía 2023/2024.
Bên cạnh đó, giá đường thế giới đầu tháng 12/2023 đã giảm xuống dưới ngưỡng 22 US cents/pound, giảm 19% so với tháng 11/2023 và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 11/2023, Tổ chức Đường Thế giới (ISO) đã điều chỉnh giảm mức thâm hụt đường toàn cầu trong niên vụ 2023/2024 từ 2,1 triệu tấn xuống còn 0,3 triệu tấn, do dự báo nguồn cung đường toàn cầu tăng 3% (chủ yếu từ Brazil).
Ngoài ra, trong bối cảnh giá dầu thô đã điều chỉnh giảm mạnh so với mức đỉnh hồi tháng 9/2023, các nhà sản xuất đường trên toàn thế giới có thể chuyển sang ép mía nhiều hơn để sản xuất đường thay vì ethanol.
Một số tổ chức tài chính nhận định, giá đường thế giới tuy chịu áp lực giảm nhưng khó giảm sâu khi tổng lượng đường sản xuất được trong niên vụ 2022/2023 chỉ đạt 175 triệu tấn, giảm 3,3% so với niên vụ trước. Kéo theo đó dư thừa đường niên vụ 2022/2023 chỉ còn 850.000 tấn, thay vì 6 triệu tấn như dự báo từ đầu niên vụ.
Hiện SSI Research đánh giá, giá đường có thể đang ở đỉnh chu kỳ. Tuy nhiên, việc giá đường thế giới giảm sẽ không tác động ngay đến giá đường trong nước trong ngắn hạn do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ và tuân thủ chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp của Việt Nam. Do đó, giá đường trong nước sẽ phụ thuộc vào diễn biến cung - cầu trên thị trường nội địa.
Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn UPCoM), giá đường trong nước có thể sẽ vẫn neo ở mức cao trong thời gian tới nhờ chênh lệch cung - cầu đường.
Số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022/2023. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,7 triệu tấn mía sản xuất được hơn 941.000 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2021/2022, sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%.
Tuy sản lượng sản xuất nội địa tăng mạnh nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tiêu thụ trong năm 2023 và sẽ còn có khoảng trống lớn khi bước vào mùa lễ hội trong nửa cuối năm. Yếu tố này sẽ hỗ trợ giá đường trong ngắn hạn.
Đáng chú ý, theo đà tăng của giá đường, giá thu mua mía từ nhà máy cũng hồi phục tốt về mức trung bình 1,1-1,3 triệu đồng/tấn, mức tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực, dẫn đến diện tích mía gia tăng, tạo tiền đề thúc đẩy việc mở rộng vùng nguyên liệu trong các năm tiếp theo.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Công Thương vừa có Quyết định rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN, gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar.
Hồi tháng 8/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ 05 nước kể trên.
Cụ thể, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%. Trong đó, thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.
Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đến ngày 15/6/2026, trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo các quyết định khác của Bộ Công Thương.
[Quảng cáo]