Công ty Cổ phần Gemadept (Tập đoàn Gemadept, mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 1.005 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong quý tăng 19%, do đó biên lợi nhuận gộp của tập đoàn cảng biển này đã giảm từ 47% xuống còn 44% trong quý 1/2024.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của Tập đoàn Gemadept trong quý 1/2024 tăng gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 354 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi từ chuyển nhượng Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải.
Sau khi trừ các loại chi phí, Tập đoàn Gemadept ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 656 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Liên quan đến thương vụ chuyển nhượng Cảng Nam Hải, giữa tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Gemadept cho biết đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ vốn cho Công ty Cổ phần Nhật Việt (Vietsun). Tuy nhiên, tổng trị giá của thương vụ này chưa được công bố. Trước thời điểm thoái vốn, Tập đoàn Gemadept chi phối 99,98% vốn cổ phần của Cảng Nam Hải
Cảng Nam Hải được thành lập từ năm 2009, là đơn vị trực tiếp quản lý cảng Nam Hải với công suất thiết kế 200.000 TEUs tại TP. Hải Phòng.
Theo ban lãnh đạo Tập đoàn Gemadept, quyết định thoái vốn khỏi Cảng Nam Hải diễn ra trong bối cảnh nhiều cảng mới với công suất lớn và nằm gần với cửa biển gia nhập thị trường, cùng với đó Cảng Nam Hải mất lợi thế đón tàu lớn sau khi Cầu Bạch Đằng đi vào hoạt động, chủ yếu chuyển qua hoạt động lưu kho bãi nên không còn phù hợp với chiến lược kinh doanh của Tập đoàn.
Trên thực tế, số lượng tàu có tải trọng trên 20.000 DWT đến Cảng Nam Hải sau khi cầu Bạch Đằng đi vào hoạt động cho đến đầu năm 2023 đã giảm gần 40%. Mức giảm này dự kiến sẽ càng diễn ra mạnh trong thời gian tới do xu hướng sử dụng tàu lớn ngày càng nhiều hơn.
Theo đánh giá từ hãng chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Tập đoàn Gemadept có thể thu về khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ thoái vốn trên.
Việc thoái vốn khỏi Cảng Nam Hải được xem là động thái phù hợp khi Tập đoàn đang dồn lực cho các dự án tiềm năng hơn như Giai đoạn 3 của cảng Nam Đình Vũ và mở rộng cảng nước sâu Gemalink.
Tính đến cuối quý 1/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Gemadept đạt 14.338 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 1.979 tỷ đồng, tăng 34%; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.395 tỷ đồng, tăng 17%.
Về phần nguồn vốn, tính đến ngày 31/3/2024, nợ phải trả của Tập đoàn Gemadept đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn (chiếm 41% cơ cấu nợ phải trả).
Tập đoàn Gemadept là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cảng biển và logistics tại Việt Nam. Trong đó, hoạt động khai thác cảng là trụ cột chính của Tập đoàn, đóp góp từ 70 - 80% cơ cấu doanh thu.
Hiện Tập đoàn Gemadept đang sở hữu nhiều cảng lớn, như cảng Nam Đình Vũ và ICD Nam Hải ở phía Bắc; cảng Gemalink (cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam), cảng ICD Phước Long và cảng Dung Quất ở phía Nam.