Từ cuối năm 2016 đến tháng 2/2017, khu vực Vĩnh Tân có mưa rất nhiều và làm ngập úng cục bộ các khu vực trồng cây Trôm tại khu vực phía Tây bãi xỉ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Khu vực có cây Trôm bị úng nước và rụng lá là khu vực trũng nên nguy cơ ngập úng cao khi mưa nhiều.
Với kết cấu bãi xỉ không thể thấm nước ra bên ngoài môi trường và kết quả phân tích mẫu nước, mẫu đất tại bãi xỉ và khu vực xung quanh bãi xỉ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đều đạt so với tiêu chuẩn, Tổng Công ty Phát điện 3 khẳng định nguyên nhân cây Trôm ở khu vực phía Tây bãi xỉ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 bị rụng lá và thối rễ vừa qua là do bị úng nước mưa do cuối năm 2016 khu vực Vĩnh Tân có mưa rất nhiều.
Hiện tại, qua khảo sát ở thời điểm hiện nay không còn hiện tượng ngập úng, các cây Trôm xung quanh bãi xỉ đã phát triển và mọc lá xanh tươi trở lại.
Vườn cây xanh lá trở lại, ảnh chụp ngày 3/8/2017Tổng Công ty Phát điện 3 đã báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước ở bãi xỉ và khu vực xung quanh bãi xỉ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận sớm công bố rộng rãi kết quả đo mẫu nước, mẫu đất.
Chúng tôi nhận thức rằng việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân ngoài việc phát điện để phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đất nước, còn phải gắn chặt với công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, cùng với công tác an sinh xã hội, cộng đồng cho người dân địa phương. Các công việc được triển khai trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy đều tuân thủ nghiêm túc về pháp luật bảo vệ môi trường và trách nhiệm với cộng đồng người dân bởi chúng tôi gắn bó với địa phương lâu dài.
Ngày 10/5/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 271/QĐ-STNMT về việc thành lập Đoàn kiểm tra lấy mẫu và phân tích mẫu đất, mẫu nước tại bãi xỉ và khu vực xung quanh bãi xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Ngày 15/5/2017, Đoàn kiểm tra phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu tro xỉ tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và khu vực bãi xỉ.
Kết quả phân tích cho thấy giá trị Clorua trong mẫu nước tại các hồ chứa 7.000m3, 24.000m3, 29.000m3 và 2 hồ chứa 200m3 đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT Cột B (mg/l) và quy chuẩn về nước mặt QCVN 08 -MT:2015/BTNMT cột B1(mg/l).
Trong số 12 hộ lấy mẫu nước thì tại 09 hộ có giá trị Clorua nằm trong giới hạn cho phép; có 3 hộ (hộ Ông Phạm Văn Tuấn, hộ Ông Trương Tấn Đức, hộ Ông Huỳnh Văn Chính) có giá trị Clorua vượt ngưỡng cho phép so với Quy chuẩn nước ngầm, đây là các hộ ở khá xa bãi xỉ.
Trung tâm Công nghệ Môi trường tại TP. HCM - Viện Công nghệ Môi trường đã phân tích mẫu đất tại các hộ dân xung quanh bãi xỉ với kết quả như sau:
- Giá trị hai thông số Clorua và Tổng số muối hòa tan trong đất được so sánh, đối chiếu với tiêu chuẩn 14TC 53-1997 về tiêu chuẩn nước rửa đất mặn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép.
- Độ pH trong đất nằm trong khoảng từ 5,6 đến 8,32: đạt yêu cầu.