Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch, Tổng Giám đốc: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Công điện của Thủ tướng nêu rõ: Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 đã có nhiều văn bản chỉ đạo; các Bộ, cơ quan, địa phương, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã nỗ lực, cố gắng trong quản lý, điều hành đối với mặt hàng xăng dầu, cơ bản bảo đảm nguồn cung xăng dầu liên tục cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong thời gian tới dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột tại Ukraine, dải Gaza có thể còn kéo dài, nguy cơ xung đột tại khu vực Biển Đỏ… tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây gián đoạn thương mại quốc tế và dòng chảy năng lượng toàn cầu và việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ; kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm… đã và đang ảnh hưởng đến giá xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới và trong nước.
Để tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch, Tổng Giám đốc: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân và tập thể, phối hợp chặt chẽ hiệu quả, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng xăng dầu, nhất là trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán năm 2024 và thời gian tới.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được Chính phủ giao chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác điều hành, bảo đảm cung ứng xăng dầu.
Thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và khẩn trương phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2024 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước ngày 31/12/2023; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động,tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước và trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính công bố, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước và theo đúng quy định pháp luật, tín hiệu thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia theo quy định của Luật dự trữ quốc gia và các quy định khác của pháp luật có liên quan; hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu để thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch xác định sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước để có cơ sở cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu trong thời gian tới; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm bảo đảm duy trì liên tục, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung cho thị trường trong nước.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 14/10/2023, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong Quý II/2024.
Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính bám sát thị trường, chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu để xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu theo đúng quy định tại các Nghị định về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm sát với diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và hoạt động sản xuấtkinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện: số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023, số 1284/CĐ-TTg ngày 1/12/2023.
Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cùng với các cơ quan liên quan về quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu công khai, minh bạch, hiệu quả.
Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng nơi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực hiện nghiêm túc quy định tại các Nghị định về kinh doanh xăng dầu; phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng, nhiệm vụ là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có kế hoạch, phương án sản xuất, phân phối, dự trữ, điều tiết, bán lẻ xăng dầu phù hợp, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường; duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước và trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Đối với Chủ tịch, Tổng Giám đốc: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch sản xuất kinh doanh, các điều kiện về kinh tế thương mại, kỹ thuật, công nghệ để tổ chức vận hành an toàn, ổn định các nhà máy với công suất tối ưu, bảo đảm việc sản xuất, dự trữ và cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường theo kế hoạch được cấp thẩm quyền duyệt và quy định pháp luật, chủ động trong mọi tình huống tuyệt đối không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, bị động do yếu tố sản xuất.
Lãnh đạo các Tập đoàn, Công ty chỉ đạo các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước và trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Công an, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, quy định về hóa đơn điện tử…; tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu (chất lượng xăng dầu, thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu…).
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân thực hiện hoạt động kinh doanh, vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn theo quy định.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tăng cường công tác thông tin diễn biến tình hình thị trường xăng dầu thế giới đến các hội viên, bảo đảm các thông tin chính xác, kịp thời, chính xác góp phần tạo cơ sở định hướng cho hoạt động kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Quán triệt các hội viên nghiêm túc thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của các thương nhân quy định tại các Nghị định về kinh doanh xăng dầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh.
Kết thúc ngày 29/12, đà giảm của giá xăng dầu thế giới đã có dấu hiệu ngưng sau hai ngày giảm mạnh liên tục. Cụ thể, giá dầu thô Brent giảm 0,14%, còn 77,04 USD/thùng, và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 0,17$, xuống mức 71,65 USD/thùng. Tính chung cả năm 2023, giá dầu thô đã giảm hơn 10%; trái ngược với đà tăng 10% trong năm 2022 khi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra.
Theo khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters đối với 34 nhà kinh tế học và chuyên gia phân tích, giá dầu thô Brent trong năm 2024 sẽ đạt mức trung bình 82,56 USD/thùng, giảm so với mức trung bình 84,43 USD/thùng hồi tháng 11/2023.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.