Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 6889/VPCP-ĐMDN, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý những vướng mắc pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra sau khi báo chí phản ánh về hội thảo "Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị" diễn ra vào ngày 14/7 vừa qua. Tại hội thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hiệp hội doanh nghiệp đã tổng hợp nhiều ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau về những khó khăn trong quy định và quá trình thực thi pháp luật.

Theo các báo cáo, những vướng mắc phổ biến nhất liên quan đến thủ tục hành chính không rõ ràng, không cần thiết, thiếu hướng dẫn thực thi và thậm chí là can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều hồ sơ vẫn yêu cầu cung cấp tài liệu giấy, gây cản trở quá trình số hóa.
Điểm chung trong các ý kiến gửi tới VCCI là mong muốn của doanh nghiệp về một cơ chế rõ ràng để giải quyết các vướng mắc, cùng với quy trình tiếp nhận, phản hồi và giải trình cụ thể. Đáng chú ý, nhiều kiến nghị liên quan đến các văn bản được ban hành từ 10 - 15 năm trước đã được doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Một ví dụ điển hình là thủ tục liên quan đến các dự án sử dụng đất. Sự giao thoa giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Nhà ở khiến doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước thẩm định lặp lại nhưng không tạo thêm giá trị pháp lý. Hệ quả là quá trình triển khai dự án kéo dài, tạo chi phí cơ hội lớn và làm giảm sức hút của môi trường đầu tư.
Ngay cả trong những lĩnh vực được khuyến khích như bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ… các quy định hiện hành vẫn còn gây khó khăn, khiến nhà đầu tư phải cân nhắc rất kỹ.

Doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng về tốc độ sửa đổi các văn bản pháp luật hiện nay. Nhiều văn bản vừa được ban hành đã nằm trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung. Do đó, doanh nghiệp đề xuất thành lập các tổ công tác chuyên trách để tiếp nhận ý kiến, sau đó phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu và xem xét.
Trước những phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, xem xét và xử lý theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/8/2025.