Đây được xem là cuộc làm việc “trọng điểm cấp vùng” thứ 2 của Thủ tướng sau cuộc giao ban Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ mà Thủ tướng dự cách đây gần 3 tháng tại Thừa Thiên - Huế.
Hiện nay, chúng ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là vùng KTTĐ Bắc Bộ (gồm 7 tỉnh, thành phố), Trung Bộ (5 tỉnh, thành phố), Nam Bộ (8 tỉnh, thành phố) và vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long (4 tỉnh, thành phố). Bốn vùng KTTĐ này với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên và 27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP đất nước.
Trong đó, vùng KTTĐ Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước (chiếm 45,42% GDP cả nước và 50,9% GDP của 4 vùng KTTĐ). Đây là vùng đi đầu phát triển trong một số ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến, nhất là các ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông, du lịch.
Thời gian qua, vùng KTTĐ Nam Bộ đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển KT-XH, một số chỉ tiêu đã vượt, 2016-2018, tăng trưởng GDP bình quân của vùng đạt 8,34%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.
Tuy nhiên, là vùng KTTĐ lớn nhất và năng động của cả nước, nhưng những lợi thế của vùng chưa được phát huy hết nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng. Sự liên kết vùng chưa chặt chẽ. Cơ chế, chính sách cho phát triển vùng thiếu đột phá…
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận vào những vấn đề như cơ chế quản lý điều phối và chính sách thúc đẩy tăng trưởng, phát triển vùng; liên kết phát triển hạ tầng giao thông, logistics; chất lượng nguồn nhân lực...
Từ đó, các đại biểu sẽ đưa ra những khuyến nghị, cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, những cách làm mới, đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để vùng KTTĐ Nam Bộ phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, tiếp tục đóng vai trò là vùng động lực, một đầu tàu kinh tế của cả nước.
Theo Quyết định 252/QĐ-TTg, tầm nhìn đến năm 2030, vùng kinh tế trọng điểm phía nam là vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức; là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm quốc tế… GDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 12.200 USD