Công điện nêu: Trong những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, ảnh hưởng tới sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý bất ổn cho người lao động.
Để kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt tại các công trình, dự án trọng điểm, trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, tại các doanh nghiệp quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19 tháng 3 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; công khai các vi phạm lên phương tiện thông tin đại chúng và những gương điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm hay, bài học quý về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên toàn quốc.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý rà soát kỹ các quy định, quy chuẩn, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm, các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh con người.
Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, công tác diễn tập để giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm các vi phạm.
Nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động
Việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Bảo đảm quyền của NLĐ được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.
- Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động;
Ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.
- Tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.
(Điều 5 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)
Những hành vi bị nghiêm cấm trong an toàn, vệ sinh lao động
- Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.
- Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
- Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.
- Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.
- Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
- Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.
(Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)