Lãi ròng quý 3/2023 tăng 11%, nhu cầu phục hồi rõ rệt
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023, với doanh thu và lãi ròng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần gần 1.800 tỷ đồng. Mặc dù chỉ tăng trưởng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây được xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu tôm của Thực phẩm Sao Ta nói riêng và của toàn ngành tôm Việt Nam nói chung liên tục suy giảm từ nửa cuối năm 2022.
Sản lượng tiêu thụ quý 3/2023 của Thực phẩm Sao Ta ước đạt 6.739 tấn, tăng gấp đôi so với quý 2/2023, cho thấy nhu cầu đã phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, giá bán đầu ra vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này trong quý 3/2023 chỉ đạt 184 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý 3/2023, chi phí bán hàng của Thực phẩm Sao Ta đạt 67 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 25%, xuống còn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng 146%, lên 32 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá.
Kết quả, Thực phẩm Sao Ta báo lãi ròng 89 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lãi cao nhất kể từ quý 2/2022 của doanh nghiệp này. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 3.835 tỷ đồng và lãi ròng 213 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
So với mục tiêu kinh doanh cả năm nay, Thực phẩm Sao Ta đã hoàn thành được 65% kế hoạch doanh thu và 54% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Thực phẩm Sao Ta đạt 3.595 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, hàng tồn kho chiếm đến 35% tổng tài sản, đạt 1.242 tỷ đồng, tăng 34% so với hồi đầu năm nay. Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận tổng nợ vay gần 1.152 tỷ đồng, toàn bộ là nợ vay ngắn hạn, tăng gấp 2,2 lần so với thời điểm đầu năm.
Thực phẩm Sao Ta dự kiến lợi nhuận cả năm nay chỉ giảm 10%
Hồi đầu tháng 10 này, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta cho biết đơn hàng đã tăng cao trở lại trong tháng 9/2023 và dự báo mức cao như này sẽ tiếp tục được duy trì trong ít nhất 2 tháng tới nhờ mùa lễ hội - cao điểm tiêu thụ cuối năm, nhu cầu tăng lên đối với các sản phẩm chế biến cao. Hiện Thực phẩm Sao Ta đang tập trung trả các đơn hàng cao cấp (tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên…) cho các hợp đồng giao quý 4/2023.
Dựa trên lượng hợp đồng đang có (đến đầu tháng 9/2023), Thực phẩm Sao Ta giữ quan điểm thận trọng, dự báo lợi nhuận năm 2023 của công ty sẽ “ít nhất đạt 90%” so với năm 2022 trong bối cảnh giá tôm xuống quá thấp (giảm từ 10% - 20% tuỳ cỡ loại). Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Thực phẩm Sao Ta hiện nay là Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản. Đây cũng là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành thuỷ sản Việt Nam.
Nhận định về thị trường tôm thời gian tới, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ, thị trường toàn cầu hiện đã qua cao điểm thu hoạch tôm nuôi, nhưng nguồn cung ứng tôm thành phẩm vẫn dồi dào, chủ yếu do lượng hàng tồn kho trước đó. Điều này khiến giá tôm tiêu thụ còn duy trì mức thấp, tuy có lợi cho người tiêu dùng, nhưng gây thiệt hại lớn cho người nuôi, và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng tôm sau này.
Trong giai đoạn vừa qua, việc giá tôm thế giới xuống thấp đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm tại tất cả các quốc gia sản xuất tôm lớn, nhiều hộ nuôi tôm tại Ecuador và Ấn Độ đã giảm thả giống và thu hẹp diện tích thả nuôi.
Đáng chú ý, mặc dù hàng tồn kho của một số quốc gia đối thủ chính của tôm Việt Nam như Ecuador và Ấn Độ còn ở mức khá cao, nhưng chủ yếu là hàng sơ chế, do đó hàng chế biến sâu vốn là lợi thế của ngành tôm Việt Nam có điều kiện thuận lợi để bứt phá trong quý 4/2023, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta nhận định.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 18/10, cổ phiếu FMC đạt 47.500 đồng/đơn vị, tăng 54% so với thời điểm đầu năm nay.