Năm 2022, đối với ngành Thuốc lá phải đứng trước thách thức vô cùng khó khăn, đó là hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa và xuất khẩu đều bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động phức tạp. Nhưng với sự năng động, tinh thần trách nhiệm cao, Ban lãnh đạo Công ty Thuốc lá Thăng Long đã tập trung chỉ đạo, khắc phục mọi khó khăn, đề ra những giải pháp cụ thể đảm bảo sản xuất ổn định, nhờ đó Công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Đảm bảo phòng, chống dịch, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh
Năm 2022, Công ty Thuốc lá Thăng Long đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu so với kế hoạch, doanh thu Công ty ước đạt 6.575,1 tỷ đồng, tăng 7,73% so ước thực hiện năm 2021 và vượt 7,75 % so với kế hoạch năm; Lợi nhuận trước thuế ước đạt 203,7 tỷ đồng, tăng 12,68% so thực hiện năm 2021 và vượt 12,47% so với kế hoạch năm; Nộp ngân sách ước đạt 4.661,56 tỷ đồng, tăng 16,08% so thực hiện năm 2021 và vượt 12,1% so kế hoạch năm.
Sản lượng tiêu thụ sản phẩm nội địa của Công ty đạt mức tăng trưởng ấn tượng, lũy kế 11 tháng đạt 1.082,4 triệu bao (không bao gồm Vinataba), tăng 88,1 triệu bao, tương ứng 108,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước đến 31/12/2022 sản lượng bán hàng đạt trên 1.160 triệu bao, tăng 81 triệu bao, tương ứng 107,5% so với năm trước.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023, ông Nguyễn Hữu Kiên, Giám đốc Công ty cho biết: Những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn khó kiểm soát, từ tháng 6/2022 đến nay mặc dù đã giảm số ca nhiễm nhưng gây ảnh hưởng đến đời sống người lao động và tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của Công ty.
Giá cả nguyên phụ liệu tăng, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, các công ty phải tăng dự trữ nguyên phụ liệu làm tăng chi phí bảo quản, chi phí lãi vay... Thêm vào đó, nguồn vốn lưu động ròng phục vụ hoạt động SXKD vẫn còn thiếu, dẫn đến việc Công ty bắt buộc phải sử dụng hầu hết từ nguồn vốn vay cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này phát sinh chi phí lãi vay lớn làm giảm hiệu quả SXKD của Công ty.
Để thực hiện tốt mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Công ty đã xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh sát, đúng với tình hình thực tế của doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Công điện của Chính phủ và các Chỉ thị của UBND thành phố Hà Nội, Công văn của Đảng ủy Tổng công ty về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Quán triệt CBCNV, người lao động thực hiện nghiêm ngặt quy định của Công ty về phòng chống Covid-19, nội quy nơi lưu trú đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; Tổ chức tiêm Vaccine phòng dịch Covid-19 mũi 4 cho gần 100% CBCNV và người lao động của Công ty.
Nhằm nâng cao hiệu quả, ổn định phát triển sản xuất kinh doanh, Công ty nỗ lực phát huy tối đa năng lực sản xuất, hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, năng suất lao động trong Nhóm Công ty; thường xuyên rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật đảm bảo đầy đủ, chính xác và kịp thời cho sản xuất trong điều kiện mới của Công ty và các đơn vị gia công.
Công ty tiếp tục các chương trình hợp tác dài hạn, ký các hợp đồng liên kết đầu tư, hợp đồng nguyên tắc mua nguyên liệu với các đơn vị sản xuất nguyên liệu thuốc lá thuộc Tổng công ty. Đầu tư vốn tại một số doanh nghiệp nguyên liệu, doanh nghiệp phụ liệu thuốc lá để tăng hơn nữa tính chủ động trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm nguồn cung cấp phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước với giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo, góp phần giảm giá thành và tăng hiệu quả SXKD. Thực hiện tốt chủ trương mua tối thiểu 50% nguyên liệu thuốc lá trong Tổng công ty trong tổng số nhu cầu nguyên liệu nội địa.
Đối với công tác công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Công ty tiếp tục phát huy hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp, hệ thống chương trình quản trị tài chính kế toán hợp nhất báo cáo tài chính, hệ thống văn phòng điện tử, phòng họp không giấy tờ E-Cabinet, cổng thông tin điện tử, cầu truyền hình trực tuyến, giữa các đơn vị… đảm bảo thông tin luôn bảo mật, thông suốt, kịp thời và chính xác.
Đẩy mạnh việc triển khai dự án phần mềm quản trị sản xuất ERP để quản lý sản xuất một cách hiệu quả nhằm tiết giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý sản xuất tích hợp (IWS) tại các phân xưởng.
Đại diện lãnh đạo Công ty Thuốc lá Thăng Long ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng có những tri ân đến toàn thể CBCNV và người lao động: Năm 2022, Thuốc lá Thăng Long gặp rất nhiều thử thách, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực để thực hiện đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động và hoàn thành các chỉ tiêu của Tổng Công ty giao. Với sự nỗ lực của toàn thể CBCNVC người lao động trong Công ty đã đoàn kết thực hiện. Do đó, các chỉ tiêu của Thuốc lá Thăng Long đều đạt và vượt ở mức 2 con số về thị trường và thị phần… Năm 2022 là một năm có nhiều thuận lợi, nhưng năm 2023 sẽ là năm rất khó khăn Thuốc lá Thăng Long sẽ đặc biệt chú trọng tiếp tục đổi mới toàn diện, lành mạnh các mối quan hệ và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất của toàn nhóm Công ty.
Kiên định thực hiện các kế hoạch, mục tiêu năm 2023
Dự báo năm 2023 còn nhiều thách thức, Công ty Thuốc lá Thăng Long đặt ra mục tiêu tổng quát là đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa các đơn vị thành viên trong nhóm Công ty, nâng cao hiệu quả hoạt động đặc biệt tại các công ty con trong nhóm, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh do Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giao trong năm kế hoạch; Giữ vững thị trường tiêu thụ nội địa, tập trung công tác phát triển sản phẩm mới, phục hồi sản lượng xuất khẩu. Công ty Thuốc lá Thăng Long phấn đấu đạt doanh thu 6 nghìn 7 trăm tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 4 nghìn tám trăm tỷ đồng.
Công ty Thuốc lá Thăng Long đề ra 8 nhóm giải pháp để thực hiện kế hoạch năm 2023, trong đó Công ty Thuốc lá Thăng Long tiếp tục kiên định với mục tiêu: “Giữ vững thị trường phía Bắc, đẩy mạnh công tác phát triển thị trường miền Trung và phía Nam; Đầu tư phát triển nhóm sản phẩm chuyển đổi; Xây dựng và hợp tác chắc chắn với hệ thống khách hàng; Quản trị tốt dòng chảy sản phẩm tạo hiệu quả kinh doanh cho hệ thống phân phối; Xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, đáp ứng tốt tình hình hiện tại”.
Để thực hiện mục tiêu này, Công ty triển khai một số giải pháp chủ yếu như: Phát huy nội lực, triệt để khai thác năng lực sẵn có, tận dụng mọi cơ hội, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ mọi hoạt động trong toàn Công ty, phấn đấu hoàn thành kế hoạch SXKD; cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng.
Tập trung cho công tác nghiên cứu, phối chế, sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm của Công ty; Tuân thủ quy trình sản xuất, bố trí hợp lý máy móc, thiết bị và sự hoạt động tốt của khâu sản xuất nhằm đáp ứng chất lượng, số lượng và mẫu mã chủng loại sản phẩm; Tập trung cao độ cho công tác thị trường - tiêu thụ, giữ vững thị trường truyền thống đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mở rộng và phát triển thị trường mới còn trống. Chú trọng nâng cao hình ảnh thương hiệu sản phẩm của Công ty cũng như thương hiệu “Thuốc lá Thăng Long”.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Công ty Thuốc lá Thăng Long, ông Hồ Lê Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cho rằng: Quá trình vận hành sản xuất của Thuốc lá Thăng Long rất tốt. Năm 2022 là năm thành công của Công ty, các chỉ tiêu đạt với những con số rất ấn tượng. Ban lãnh đạo Công ty đã thành công ở các quan điểm, cách thức chỉ đạo, vận hành triển khai thực hiện hiệu quả, tối ưu, phù hợp với tình hình thực tế. Đây là một trong những kinh nghiệm mà các đơn vị Thuốc lá điếu cần tham khảo.
Trong các mặt nổi bật của Thăng Long ông Hồ Lê Nghĩa đánh giá cao về bốn điểm quan trọng nhất bao gồm: Công tác tổ chức sản xuất; Công tác phối chế; Công tác Thị trường; Công tác tài chính là bốn yếu tố quan trọng đã giúp Thăng Long đạt được kết quả tốt như hôm nay. Bên cạnh những thành công của Thăng Long trong năm vừa qua, năm 2023 theo đánh giá chung sẽ là một năm khó khăn, giá nguyên vật liệu tăng… Thăng Long cần có các giải pháp như: Cần cân đối sớm chi phí về nguyên liệu để có phương án dự phòng; Nghiên cứu về công tác phối chế; Cần có các giải pháp hiệu quả và lâu dài hơn để nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Hồ Lê Nghĩa cũng tin tưởng rằng năm 2023 Thuốc lá Thăng Long sẽ đạt và gặt hái được những thành công mới.
Cũng tại Hội nghị, Ông Phạm Đăng Thuận - Nguyên Phó Gám đốc Công ty giai đoạn 2016 - 2020 được đón nhận Huân chương Lao Động Hạng 3 của Chủ tịch nước, Tập thể Công ty Thuốc lá Thăng Long và 4 phòng Ban: Phòng Tài chính Kế toán; Phòng Kế hoạch Vật tư; Phòng Tiêu thụ; Phân xưởng Cơ Điện nhận Bằng khen năm 2020 - 2021 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Bằng khen; Cờ Thi đua toàn diện năm 2022 của Tổng công ty cho Thuốc lá Thăng Long.