Tiếp nối thành công của năm 2017, năm nay Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức Giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ Thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lần thứ II. Giải thưởng nhằm động viên, tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất, thương mại dịch vụ Việt Nam thực hiện tốt Cuộc vận động và là sự kiện chuẩn bị cho chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 10 năm (2009-2019) theo thong báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ được tổ chức vào năm 2019.
Sau 4 tháng triển khai từ tháng 10/2017 đến tháng 2/2018, Ban Thư ký Giải thưởng đã nhận được gần 300 đề cử từ hơn 30 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN), Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và tự ứng cử cho các danh hiệu “Top 10 Sản phẩm Thương hiệu Việt xuất sắc”; “Top 10 Doanh nghiệp có Dịch vụ Thương hiệu Việt xuất sắc” và “Top 80 Doanh nghiệp Thương hiệu Việt tiêu biểu”.
Từ đó, 98 Doanh nghiệp có hồ sơ hợp lệ, đáp ứng đúng các tiêu chí đề ra đã được lựa chọn để trao giải. Năm nay, Ban tổ chức đã chú trọng nhiều tới sự phối hợp giữa Bộ Công Thương và UBMTTQVN hay giữa các Sở Công Thương với các UBMTTQ ở từng địa phương. Công tác xét duyệt được triển khai kĩ và sâu hơn, có sự cân nhắc tới cả các yếu tố vùng miền và lĩnh vực.
Đại diện Ban tổ chức Giải thưởng cho biết, qua 8 năm thực hiện, Cuộc vận động đã được các cấp, ngành, đông đảo doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân hoan nghênh đón nhận. Cuộc vận động đã thực sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh.
Theo báo cáo của một số Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, thị phần của hàng Việt tại thị trường trong nước vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường nông thôn. Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước hay tại các điểm bình ổn thị trường, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở mức 80-90%.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, công tác truyền thông là một trong 4 nhiệm vụ quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong 3 năm từ khi việc tôn vinh sản phẩm, thương hiệu Việt tiêu biểu được đẩy mạnh, các doanh nghiệp đã ngày càng phát huy chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình và phát triển nhanh chóng, có những bước tiến vượt bậc. Saigon Coop hiện nay vẫn là nhà bán lẻ lớn nhất thị trường trong nước với khoảng 100 siêu thị trong hệ thống Coopmart đã được mở trên toàn quốc và hơn 181 cửa hàng Coopfood, tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tốc độ phát triển thêm của hệ thống này cũng rất nhanh khi mở thêm từ 20-30 cửa hàng/năm, trong đó phân phối tới gần 95% là hàng sản xuất trong nước.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga khẳng định Giải thưởng là hoạt động thiết thực và có ý nghĩa trong việc tôn vinh thương hiệu ViệtĐại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, các hoạt động tôn vinh có ý nghĩa sẽ tiếp tục được chú trọng và đẩy mạnh. Khối thương hiệu Việt luôn được nhà nước quan tâm nhiều nhất bởi ở đây tập trung và "thể hiện tinh hoa trí tuệ và sức lao động Việt". Các dòng sản phẩm Việt Nam cũng được nhiều ưu tiên, ưu đãi trong các chương trình về khoa học công nghệ, khuyến công, công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại hay các đề án như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc Vận động.
Bà Lê Việt Nga nhấn mạnh, Giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ Thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt bam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hoàn toàn khác biệt với các chương trình công bố tự phát khác, bởi đây là Giải thưởng hoạt động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, được phê duyệt từ quy chế, cơ cấu giải thưởng cho đến phương thức chấm. Việc một số cái tên lớn như Vincommerce, Vietinbank, Trường Hải hay Lâm Thao góp mặt trong Top 10 cũng đã minh chứng cho quy mô và uy tín của Giải thưởng.
Đây là cơ hội đặc biệt mà các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt để khẳng định vị thế và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình nhằm quảng bá rộng rãi hơn thương hiệu Việt của mình.
Ban tổ chức hy vọng, các cơ quan truyền thông toàn quốc sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ban tổ chức nói riêng và Bộ Công Thương nói chung trong quá trình truyền thông sâu và rộng nhằm phát triển thương hiệu Việt mạnh mẽ trên thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường quốc tế.