Thương mại điện tử - công cụ quản lý, giao thương hữu hiệu

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), "Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một các

PV: Với tư cách là lãnh đạo cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về TMĐT và đã tham gia tổ chức khảo sát việc áp dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp ngành Công Thương, ông có những nhận định gì về việc thực hiện công tác này thời gian qua?

TS. Nguyễn Mạnh Quyền: Ngày 15/9/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định  số 222/2005/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2006-2010. Đây là văn bản quy phạm pháp luật về chính sách vĩ mô với những định hướng, giải pháp toàn diện và chương trình hành động cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT trên phạm vi toàn quốc. Cục TMĐT và CNTT với chức năng nhiệm vụ được giao, hàng năm đều tiến hành khảo sát việc ứng dụng TMĐT vào hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng. Từ đó, Cục đã xây dựng Báo cáo thương mại điện tử hàng năm và đưa ra được các đánh giá, các đề xuất cho việc xây dựng cơ chế chính sách và các hoạt động hỗ trợ cho việc ứng dụng TMĐT vào thực tế.

(Tham khảo tại http://www.moit.gov.vn/web/guest/tulieu/thuongmaidientu).

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp ngành Công Thương, trong thời gian qua, TMĐT đã được triển khai tại nhiều đơn vị với sự nỗ lực to lớn của các nhà quản lý và sự hỗ trợ của Nhà nước, của Bộ Công Thương. Nhiều dự án thuộc lĩnh vực TMĐT đang được xây dựng, triển khai trên cơ sở phối hợp giữa Bộ với các đơn vị trong ngành như: Dự án cung cấp dịch vụ công trực tuyến (eCoys); Dự án cung cấp thông tin thương mại; Dự án tổ chức triển khai phát triển TMĐT tại Hà Nội; Dự án xây dựng mạng kinh doanh điện tử cho các doanh nghiệp lớn ngành Công Thương,… Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành Công Thương với những đặc thù riêng, đã từng bước triển khai các dự án TMĐT trên quy mô toàn quốc, tiêu biểu  như VinaMilk. Trong tương lai, các nhóm dự án TMĐT cho các Tập đoàn và Tổng công ty lớn các ngành: Thép, Dầu khí, Bia-Rượu-Nước giải khát, Dệt - May… sẽ được đề xuất xây dựng và triển khai.

TMĐT cũng đang được áp dụng trong nhiều loại hình doanh nghiệp ngành Công Thương, nhằm cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao lợi thế cạnh tranh trong các hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Tuy nhiên, việc áp dụng này vẫn ở trong quy mô chưa lớn và chưa được đầu tư đồng bộ về nhân lực và hạ tầng công nghệ. Do vậy, việc nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và sự đầu tư thích đáng cho TMĐT (trong đó có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước) sẽ quyết định quy mô ứng dụng và hiệu quả của sự phát triển TMĐT trong tương lai. Có ba công đoạn chính của một giao dịch thương mại điện tử hoàn chỉnh, bao gồm Mua hàng - Trả hàng - Thanh toán, nhưng hiện nay, các doanh nghiệp còn đang có nhiều vướng mắc ở hai khâu: Trả hàng  và Thanh toán.

PV: Ông có thể cho biết một số kinh nghiệm phát triển TMĐT ở các nước, mà Việt Nam cần phải xem xét học tập. So với họ, việc áp dụng TMĐT của chúng ta xếp ở vị trí nào và cần có định hướng phát triển ra sao?

TS. Nguyễn Mạnh Quyền: Trong hơn một thập kỷ gần đây, việc ứng dụng TMĐT và CNTT vào hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh trên thế giới diễn ra mạnh mẽ, nhằm hướng tới một nền thương mại phi giấy tờ, giảm thiểu tối đa chi phí (thông tin, văn phòng, kho bãi, hậu cần…). TMĐT phát triển nhằm tăng cường thuận lợi hoá các hoạt động thương mại, đẩy mạnh kinh doanh xuất nhập khẩu. Các nước công nghiệp phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Úc… đã chú trọng ứng dụng TMĐT - CNTT từ những năm 70 của thế kỷ trước để trao đổi các chứng từ kinh doanh, cắt giảm tối đa các loại chi phí, cũng như tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore… cũng triển khai mạnh mẽ TMĐT, các tiêu chuẩn công nghệ trao đổi dữ liệu điện tử (chuẩn EDI) trong cả các dịch vụ công, cũng như hoạt động các doanh nghiệp.

So với các nước bạn, việc ứng dụng TMĐT và các chuẩn EDI để trao đổi dữ liệu điện tử tại Việt Nam nhằm hướng tới một nền thương mại phi giấy tờ vẫn còn hạn chế. Tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước cũng bắt đầu áp dụng TMĐT nhằm hướng tới các thủ tục điện tử: như Hải quan điên tử, hệ thống trao đổi điện tử giữa cơ quan Hải quan - thuế - kho bạc, hệ thống cấp chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys… Các doanh nghiệp cũng bước đầu ứng dụng TMĐT, mà dẫn đầu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa hóa trực tuyến, vận tải (vé tàu, vé máy bay điện tử, hệ thống điện tử tại một số cảng biển…); quảng cáo; các doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán - ngân hàng.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng TMĐT vào thực tiễn, hiện nay, Cục TMĐT và CNTT cũng đang triển khai dự án dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử trong giấy chứng nhận xuất xứ điện tử eC/O, nhằm hướng tới kết hợp với Hải quan và trao đổi điện tử với Hải quan nước ngoài. Trong thời gian tới, nhằm giúp các doanh  nghiệp trong việc ứng dụng TMĐT và CNTT vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Cục TMĐT và CNTT cũng sẽ triển khai Dự án Xây dựng mạng kinh doanh điện tử cho một số doanh nghiệp quy mô lớn, bước đầu sẽ ứng dụng tại một số doanh nghiệp lớn ngành Công Thương. Dự án này khi hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp chuẩn hóa các quy trình kinh doanh, các chứng từ kinh doanh nhằm trao đổi với các doanh nghiệp thành viên và đối tác và cắt giảm tối đa chi phí và tăng hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp. Đây là bước khởi đầu giúp các doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng TMĐT vào hoạt động SXKD ở quy mô lớn, với kỹ thuật công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, so với các nước, TMĐT của Việt Nam vẫn còn đứng ở vị trí khiêm tốn. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh ứng dụng TMĐT thông qua các dự án cụ thể, với lộ trình phù hợp hơn để giúp các cơ quan, doanh nghiệp ứng dụng TMĐT hiệu quả.

PV: Thương mại điện tử là một công cụ hiện đại, hữu hiệu. Tuy nhiên, để nó thực sự đi vào cuộc sống, được ngày càng đông đảo đối tượng tham gia, theo ông, Nhà nước và doanh nghiệp cần phải thực hiện những giải pháp gì trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Mạnh Quyền: Để TMĐT đi vào cuộc sống và phát triển mạnh mẽ, cần có sự phối hợp và nỗ lực từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp, với những giải pháp cụ thể như sau:

Đối với các cơ quan chức năng Nhà nước, cần:

- Xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về TMĐT, để có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TMĐT đồng bộ, dễ áp dụng cho các đối tượng tham gia.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng TMĐT thông qua việc đào tạo, tuyên truyền phổ biến các cơ chế chính sách về TMĐT và kinh nghiệm triển khai thành công của các mô hình TMĐT tiên tiến trong và ngoài nước.

- Phối hợp với các Hiệp hội ngành nghề, cơ quản lý và doanh nghiệp liên quan triển khai các hoạt động, các dự án TMĐT hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể.

- Đẩy mạnh hoạt động đào tạo chính quy về TMĐT thông qua việc kết hợp với các trường đại học, cao đẳng và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm đưa hoạt động đào tạo TMĐT đi vào chiều sâu.

Đối với các doanh nghiệp, cần:

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực: Do TMĐT là hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ cao, đòi hỏi nguồn lực quản lý và kỹ thuật công nghệ phù hợp. Do vậy, từ phía doanh nghiệp, nhân lực phải có trình độ nhất định về cả quản lý kinh tế và kỹ thuật để ứng dụng TMĐT hiệu quả.

- Nâng cao ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về TMĐT do hoạt động kinh doanh trên môi trường trực tuyến còn khá mới mẻ, nên sẽ có những tranh chấp về chứng từ điện tử, thương hiện, bảo vệ dữ liệu cá nhân…

- Đầu tư thoả đáng cho hạ tầng công nghệ để triển khai ứng dụng TMĐT hiệu quả.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc triển khai đào tạo, tuyên truyền phổ biến, ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh.