Thưởng Tết 2018 sẽ khả quan

Mức thưởng Tết bình quân là một tháng lương cơ bản. Các ngành bất động sản, dịch vụ du lịch sẽ thưởng cao.

Theo yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), các địa phương phải báo cáo tình hình thưởng Tết 2018 của các doanh nghiệp (DN) trước ngày 31-12-2017. Đến nay, dù chưa có số liệu chính thức song theo dự đoán của các chuyên gia lao động, tình hình thưởng Tết năm nay có nhiều tín hiệu lạc quan hơn năm ngoái.

Trả công tương xứng

Hiện nay, các DN đang phối hợp với Công đoàn (CĐ) cơ sở lên phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng và tính toán mức thưởng Tết cụ thể cho người lao động (NLĐ). Tại các KCX-KCN TP HCM, phần lớn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã điều chỉnh xong LTT vùng và tính toán sơ bộ mức thưởng Tết. Động thái tích cực này được xem là biện pháp giữ chân NLĐ của DN, nhất là ổn định tình hình quan hệ lao động trước và sau Tết nguyên đán.

"Khó đến mấy, chúng tôi vẫn cố gắng bảo đảm mức thưởng Tết cho công nhân (CN) bằng năm ngoái, tương đương 1 tháng lương cơ bản (LCB). Chúng tôi cũng sẽ có chính sách hỗ trợ khác dành cho CN khó khăn, nhiều năm liền không về quê đón Tết" - ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ever Win (100% vốn Đài Loan; KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), khẳng định.

Mức thưởng Tết của công nhân ngành dệt may, giày da phổ biến là 1 tháng lương cơ bản

Cuối tuần qua, Ban Giám đốc và CĐ Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, quận 9, TP HCM) đã đạt được thỏa thuận ban đầu về mức thưởng Tết. Theo đó, mức thưởng Tết năm nay sẽ không thấp hơn năm trước, tức là mỗi CN sẽ nhận được khoản tiền thưởng bằng hệ số 1,1 nhân với LCB.

"Lãnh đạo công ty cho biết khoản thưởng này có thể sẽ tăng chút ít sau khi DN chốt lại tình hình kinh doanh trong năm qua. Trong tuần này, CĐ sẽ trao đổi kỹ hơn để có thông báo chính thức đến NLĐ. Dù có tăng hay không thì theo tôi, đây cũng là tín hiệu vui bởi ban giám đốc luôn tính toán, cân đối lợi nhuận để trả công xứng đáng cho NLĐ chứ không cào bằng thưởng 1 tháng lương" - ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Nidec Việt Nam, nhận xét.

Tại Công ty TNHH Saigon Pricision (KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức), chuyện thưởng Tết cũng được CN bàn luận rôm rả suốt tuần qua. Ông Đoàn Mạnh Hà, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết Saigon Pricision tính theo năm tài chính của công ty mẹ ở Nhật nên cuối năm chỉ tạm ứng 1 tháng LCB. Đến hết tháng 3-2018, DN sẽ tổng kết và thưởng cộng tăng lương hằng năm. Với tình hình hiện tại thì dự kiến mức thưởng trung bình năm nay khoảng 2,2 tháng LCB.

Với các DN FDI nằm ngoài KCX-KCN, tình hình thưởng Tết cũng có vẻ khả quan hơn. Bà Trần Thị Gái, Chủ tịch CĐ Công ty Sambu Vina Sports (huyện Hóc Môn, TP HCM), cho biết DN đang lên kế hoạch điều chỉnh LTT vùng và dự tính tăng đều cho tất cả CN từ 250.000 đồng/tháng trở lên. Khoản thưởng Tết hằng năm đã được công ty đưa vào thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là 2 tháng LCB. Theo đó, 1 tháng lương được chi trước cho CN vào các dịp lễ 30-4, 1-5 và 2-9; khoản còn lại sẽ chi trước khi họ nghỉ Tết nguyên đán. Do đã định mức thưởng từ trước nên theo nhận định của bà Gái, thưởng Tết năm nay sẽ tương đương mọi năm hoặc nhỉnh hơn do điều chỉnh mức LCB.

Yên tâm đón Tết

Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi cập nhật từ các CĐ cấp trên cơ sở tại TP HCM, phần lớn DN dân doanh đều cam kết thưởng Tết với mức 1 tháng LCB cho NLĐ. "Qua nắm tình hình sơ bộ, hầu hết DN đều sẽ thưởng Tết cho NLĐ nhưng mức thưởng khó có đột biến, bình quân là 1 tháng LCB. Việc chủ DN cam kết thưởng Tết chắc chắn sẽ ổn định tinh thần làm việc của CN" - ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, nhìn nhận.

Dự báo ngành ngân hàng có thể thưởng Tết trên 3 tháng lương Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tại Công ty CP SX-TM Tài Tài (huyện Hóc Môn), khoản thưởng tháng 13 đã được DN đưa vào TƯLĐTT. Do vậy, dù làm ăn thuận lợi hay không thì tiền thưởng Tết của NLĐ vẫn được bảo đảm. Bà Lê Thu Trang, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết: "Mức thưởng tháng 13 là một tháng LCB và sẽ được thanh toán cho CN vào đầu tháng 1-2018 để anh em thuận tiện trong việc mua sắm, chuẩn bị Tết. Ngoài lương tháng 13, CN còn được nhận thêm một khoản thưởng trích từ lợi nhuận công ty. Khoản thưởng này không ấn định mức cụ thể nhưng hằng năm, công ty đều trích khoảng 10% lợi nhuận để thưởng, bình quân mỗi CN được gần 3 triệu đồng/người".

Tại Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TP HCM), mức thưởng Tết cho CN cũng sớm được xác định, tạo sự phấn khởi cho NLĐ. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch CĐ công ty, mức thưởng Tết dao động từ 1-1,5 tháng lương thực lãnh, tùy theo sự đóng góp cũng như tính chất công việc của từng người. Ngoài ra, công ty và CĐ cơ sở còn triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết cho CN.

Ở Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), sau khi điều chỉnh LTT vùng, mức LCB của CN đạt 4.260.000 đồng. Cộng với các khoản phụ cấp, tổng thu nhập không tăng ca của CN thấp nhất là 4,7 triệu đồng, cao nhất 6 triệu đồng/người. "Năm nay, công ty sẽ thưởng Tết cho CN với mức bình quân 4,5 triệu đồng/người. Công ty sẽ thanh toán đủ lương tháng 1-2018, thưởng Tết trước ngày 10-2 (25 tháng chạp)" - bà Trần Dy Linh, giám đốc công ty, khẳng định.

Trong khi đó, tinh thần làm việc của CN Công ty CP May Sài Gòn 3 (Công ty CP Dệt may Gia Định) rất phấn chấn khi DN thông báo thưởng Tết sớm. Mỗi CN được thưởng 3 tháng lương thực tế (bình quân 30 triệu đồng/người). Công ty còn thông báo CN được nghỉ Tết tổng cộng 15 ngày. Công ty cũng đang khảo sát để lên kế hoạch mua giúp vé tàu Tết và tổ chức xe cho CN về quê. Chị Cao Thị Huệ, CN công ty, khoe: "Làm việc vất vả cả năm nhưng bù lại, các chế độ lương thưởng cuối năm khá cao nên tụi em rất an tâm".

Giám sát chặt chẽ doanh nghiệp gặp khó khăn

Dù lạc quan về tình hình thưởng Tết song các CĐ cấp trên cơ sở tại TP HCM vẫn chủ động cử cán bộ chuyên trách giám sát chặt chẽ tình hình quan hệ lao động tại những DN làm ăn khó khăn, nợ BHXH và nhiều khả năng không thưởng Tết.

Qua rà soát, LĐLĐ huyện Hóc Môn ghi nhận 14 DN có khả năng không thưởng tết cho NLĐ do gặp khó khăn về đơn hàng, nợ BHXH... LĐLĐ huyện cho biết sẽ theo sát diễn biến, tình hình tại các DN này nhằm kịp thời có biện pháp hỗ trợ NLĐ, bảo đảm không để CN nào không có Tết.

Tại quận Thủ Đức, một số DN làm ăn thua lỗ và gặp khó khăn về đơn hàng, phải giải thể hoặc cắt giảm lao động nên chắc chắn CN sẽ không có thưởng Tết. Điển hình là Công ty TNHH Dệt kim Fenix Việt Nam (KCX Linh Trung I), do làm ăn thua lỗ nên phải làm thủ tục phá sản. Khi thông báo đóng cửa nhà máy (ngày 16-11), công ty còn nợ 50% lương tháng 10 và 50% lương tháng 11 của CN với tổng số tiền 2,5 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty còn nợ BHXH hơn 8,3 tỉ đồng.

Ông PHẠM MINH HUÂN- nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Nhiều ngành có thể có đột biến

Theo tôi, với những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được giữ vững là điều kiện để NLĐ có thể lạc quan về lương, thưởng Tết năm 2018. Theo truyền thống của các DN thì mức thưởng vẫn sẽ dao động trong khoảng 1 tháng lương, tất nhiên với một số ngành "hot" thì có thể có sự đột biến. Dự báo ngành ngân hàng có thể thưởng trên 3 tháng lương. Bất động sản, dịch vụ du lịch… là những ngành có thể có đột biến trong việc thưởng Tết.

Riêng một số ngành sử dụng đông lao động như dệt may, da giày, thủy sản…, dù có những khó khăn riêng nhưng nhìn chung hoạt động vẫn giữ được ổn định. Vì vậy, nhiều khả năng các ngành này vẫn giữ được mức thưởng như các năm trước. Chưa kể, DN sẽ có những chính sách chăm sóc riêng ngoài chế độ lương, thưởng Tết để giữ chân NLĐ.

Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Doanh nghiệp cần công khai lương, thưởng Tết

Cuối năm là thời điểm nhạy cảm, dễ phát sinh tranh chấp lao động tập thể nếu DN không xử lý khéo léo vấn đề điều chỉnh LTT vùng và tính toán mức thưởng Tết cho NLĐ. Do vậy, khi phối hợp xây dựng phương án điều chỉnh tiền LTT vùng, CĐ cơ sở cần lưu ý DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương với NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Phương án điều chỉnh mức LTT của DN phải công bố công khai cho NLĐ được biết. Bên cạnh đó, CĐ cấp trên cần chỉ đạo CĐ cơ sở phối hợp, trao đổi với người sử dụng lao động đồng cấp xây dựng phương án thưởng Tết; thông báo để NLĐ trong DN được biết.

Cùng với đó, các cấp CĐ cần tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, CĐ, BHXH… của DN, nhất là việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng; không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của NLĐ.

V.TÙNG - V.DUẨNghi




Theo CafeF