Chốt chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nam Việt (Thuỷ sản Nam Việt, mã cổ phiếu ANV - sàn HoSE) vừa thông báo, vào ngày 31/10 tới đây, sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Như vậy, cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu ANV sẽ được nhận 1.000 đồng cổ tức. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến vào ngày 25/12/2023. Với hơn 133 triệu cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường, Thuỷ sản Nam Việt sẽ cần chi hơn 133 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này cho cổ đông.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 28/9, cổ phiếu ANV đạt 36.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu ANV đã tăng hơn 52%. Thuỷ sản Nam Việt là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Về hoạt động kinh doanh, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản khác, Thuỷ sản Nam Việt có kết quả kém khả quan trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Thuỷ sản Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.200 tỷ đồng và lãi ròng “vỏn vẹn” 41 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 91% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp này mới hoàn thành 18,7% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam nói chung, của Thuỷ sản Nam Việt nói riêng, kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm nay khi sức mua tại các thị trường trọng điểm (Mỹ, EU, và Trung Quốc) dần có tín hiệu phục hồi, lượng hàng tồn kho cũng giảm xuống, và thị trường bước vào mùa lễ hội - mùa cao điểm tiêu thụ các mặt hàng thuỷ sản.
Kỳ vọng phục hồi mạnh với lợi thế chuỗi giá trị khép kín
Đối với Thuỷ sản Nam Việt, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ có tốc độ phục hồi nhanh hơn mặt bằng chung toàn ngành nhờ khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu cao và kiểm soát chi phí tốt.
Cụ thể, Thuỷ sản Nam Việt là một trong số ít các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam sở hữu chuỗi giá trị khép kín, từ khâu sản xuất con giống, sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến và phân phối thành phẩm. Chuỗi giá trị khép kín này giúp doanh nghiệp tự chủ 30% cá giống với công nghệ nuôi tiên tiến của Na Uy, giúp quá trình ươm giống đạt mức tối ưu.
Thuỷ sản Nam Việt có 10 dây chuyền sản xuất thức ăn với công suất hơn 1.000 tấn thành phẩm/ngày phục vụ cho toàn bộ vùng nuôi và thương mại. Do chi phí thức ăn chiếm khoảng 70-75% giá thành cá nguyên liệu và giá thức ăn chăn nuôi biến động theo giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn, việc tự chủ nguồn thức ăn giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí nuôi trồng. Hơn nữa, năng lực tự sản xuất thức ăn góp phần giúp Thuỷ sản Nam Việt kiểm soát và đảm bảo được chất lượng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển khác nhau của con giống.
Về vùng nuôi, Thuỷ sản Nam Việt hiện có vùng nuôi lên đến 700 ha, lớn nhất trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Trong đó, bao gồm 250 ha vùng nuôi truyền thống vào 450 ha vùng nuôi công nghệ cao. Tổng công suất của vùng nuôi khi khai thác tối đa có thể đạt 250.000 – 300.000 tấn cá nguyên liệu/năm, nhờ đó có thể cung cấp đủ 100% lượng cá đầu vào cho các nhà máy chế biến.
Theo VASEP, trong năm 2022, giá cá tra nguyên liệu tăng và giá trung bình xuất khẩu cá tra fillet tăng từ 28% - 66% so với năm 2021. Điều này đã giúp cho biên lợi nhuận gộp năm 2022 của Thuỷ sản Nam Việt đạt tới 27%, cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung từ 20% - 22%.
Trong nửa đầu năm nay, biên lợi nhuận gộp của Thuỷ sản Nam Việt giảm xuống còn 11%, chủ yếu sức mua của các thị trường tiêu thụ giảm, và giá bán liên tục ở mức thấp do doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu vào nhóm nước đang phát triển. Tuy nhiên, Thuỷ sản Nam Việt hiện đang cơ cấu lại cấu trúc thị trường xuất khẩu, tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc và phát triển lại tại thị trường Mỹ. Những yếu tố này có thể giúp Thuỷ sản Nam Việt cải thiện biên lợi nhuận gộp thời gian tới.