Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Thủy sản Vĩnh Hoàn, mã cổ phiếu VHC - sàn HoSE) vừa công bố bổ sung tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức ngày 17/4.
Theo đó, Thủy sản Vĩnh Hoàn lập kế hoạch kinh doanh năm 2024 với hai kịch bản. Đối với kịch bản cơ bản, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.700 tỷ đồng, tăng 6,6% so với mức thực hiện của năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 12,9%, chỉ đạt 800 tỷ đồng.
Trong khi đó, đối với kịch bản cao, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 11.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,6% và 8,8% so với mức thực hiện của năm 2023.
Với mục tiêu kinh doanh trên, năm nay, Thủy sản Vĩnh Hoàn dự kiến đầu tư 930 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp các nhà máy và trang thiết bị phục vụ hoạt động nuôi trồng, sản xuất.
Trong tháng 2 vừa qua, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu đạt 801 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với tháng 1/2024 thì doanh thu lại giảm 13%, chủ yếu do doanh thu từ mảng cá tra giảm 7% và tháng 2 trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu thụ đều giảm.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Thủy sản Vĩnh Hoàn đạt 1.722 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, ước tính hoàn thành 15 - 16% mục tiêu doanh thu cả năm.
Về triển vọng ngành thủy sản năm nay, nhiều tổ chức tài chính dự báo tăng trưởng ngành có thể đạt 20 - 30% khi kinh tế hồi phục và lạm phát hạ nhiệt. Đồng thời, có thể hưởng lợi từ việc siết chặt lệnh cấm nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc từ Nga của Chính phủ Mỹ, gồm cá hồi, cá tuyết, cá minh thái và cua. Tại thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam vốn được coi là mặt hàng thay thế cho cá minh thái.
Với vị thế là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, Thủy sản Vĩnh Hoàn là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ các động thái trên của Chính phủ Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng là thị trường chính, chiếm tới 40 - 50% tổng doanh thu xuất khẩu cá tra của Thủy sản Vĩnh Hoàn.
Bên cạnh đó, Hội đồng châu Âu (EC) cũng đã quyết định không cho phép các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nga được hưởng ưu đãi miễn thuế trong giai đoạn 2024 - 2026.
Trước đó, hồi tháng 11/2023, Liên minh châu Âu cũng quyết định tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu các sản phẩm cá từ Trung Quốc để kiểm soát hoạt động đánh bắt phi pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Những động thái này cũng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần tại EU.