Theo đó, tại buổi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về thương mại điện tử tổ chức ngày 22/3/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang (Cục QLTT Tiền Giang) đã hướng dẫn cụ thể cách thức xác định đối tượng vi phạm trên không gian mạng; đưa ra và xử lý tình huống liên quan trong lĩnh vực thương mại điện tử cho các đơn vị trực thuộc.
Ngay sau Hội nghị tập huấn kết thúc, vận dụng vào thực tế Cục QLTT Tiền Giang đã chỉ đạo các Đội QLTT theo dõi, thẩm tra, xác minh thông tin đối với hơn 20 trang website thương mại điện tử về dấu hiệu không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương trước khi bán hàng.
Kết quả, chỉ trong vòng nửa tháng sau ngày tập huấn (từ ngày 25/3 đến ngày 08/4/2024), các Đội QLTT đã tập trung thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 trường hợp có hành vi vi phạm nêu trên, tổng số tiền xử phạt hơn 220 triệu đồng. Đối với vụ việc còn lại, các Đội đang tiến hành theo dõi, sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý nếu thẩm tra, xác minh xác định có dấu hiệu vi phạm.
Cục trưởng Cục QLTT Tiền Giang Huỳnh Văn Nguyện cho biết: Hoạt động kiểm tra, xác định hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay không phải việc dễ thực hiện nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể công chức cơ bản đã tạo được chuyển biến tích cực. Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra 46 vụ, phát hiện vi phạm 44 vụ, đã xử lý 29 vụ, thu phạt gần 510 triệu đồng, trị giá tang vật vi phạm gần 1,2 tỷ đồng. Còn 15 vụ tồn đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý, ước thu hơn 330 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn, vi phạm điều kiện kinh doanh. Mặt hàng vi phạm gồm thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, phân bón, vàng trang sức, xe máy, xe mô tô hai bánh…
Đồng thời, Cục QLTT Tiền Giang cũng đã tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan trong hoạt động kinh doanh qua môi trường thương mại điện tử trực tiếp kết hợp với công tác kiểm tra thị trường, tuyên truyền trên sóng truyền thanh, cho cam kết tổng cộng gần 70 lượt.
Với những kết quả nêu trên, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử; tạo động lực cho nền kinh tế số phát triển bền vững; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.