Với sản lượng khai thác than nguyên khai của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - TKV đạt khoảng 40 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 85% sản lượng khai thác than trong nước, trong những năm qua, TKV luôn đảm bảo cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong nước, trong đó có các nhà máy nhiệt điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, Tập đoàn còn quản lý mảng công nghiệp khoáng sản – luyện kim, doanh thu năm 2018 đạt 18,3 ngàn tỷ đồng. Trong lĩnh vực điện, Tập đoàn đang quản lý vận hành 07 nhà máy điện, doanh thu năm 2018 đạt 12,5 ngàn tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất vật liệu nổ công nghiệp cũng đạt mức doanh thu năm 2018 là 5,0 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số lĩnh vực khác cũng đem lại mức doanh thu 21,3 ngàn tỉ đồng trong năm 2018.
TKV luôn xác định đổi mới công nghệ trong khai thác và chế biến khoáng sản là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tại Chiến lược phát triển bền vững TKV đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra chủ trương “Không ngừng đổi mới, hiện đại hóa công nghệ theo hướng nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất sạch hơn ở các mỏ, nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động và áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu đối với các dự án đầu tư mới”.
Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, đã cơ bản cơ giới ở tất cả các khâu sản xuất khai thác than lộ thiên, áp dụng đồng bộ thiết bị cơ giới hóa công suất lớn để giảm chi phí. Trong khai thác than hầm lò, TKV cũng tập trung đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa khai thác đồng bộ, điển hình là lò chợ, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đào lò, chống lò bằng vì neo… nhằm nâng cao năng suất và mức độ an toàn.
Bên cạnh đó, đầu tư cải tạo và xây dựng mới các nhà máy tuyển than với công nghệ, thiết bị tương đối hiện đại; chú trọng áp dụng tự động hóa để sản xuất các loại than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu với tỷ lệ thu hồi cao (đạt khoảng 85 - 89%), thải đá sạch với độ tro > 80%; nghiên cứu, cải tiến và đổi mới công nghệ tại một số khâu để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, góp phần tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, khối sản xuất cơ khí của TKV đã nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được hàng loạt các sản phẩm cơ khí chủ lực như sản xuất các loại vì chống thuỷ lực, giàn chống, giá chống, giàn mềm; các loại băng tải sử dụng trong ngành mỏ; tời cáp treo chở người…
Nhờ áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ... đã giúp TKV tinh giảm lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của Tập đoàn. Ước tính, lợi ích kinh tế từ việc áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa của toàn Tập đoàn đạt khoảng 450 tỷ đồng/năm.
Một số công trình tiêu biểu đã và đang mang lại hiệu quả tích cực tại Tập đoàn như sau:
1.Phát triển áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác tại các mỏ hầm lò vùng than Quảng Ninh - Giai đoạn 2013-2015, lộ trình đến năm 2020 (đề tài cấp TKV có kế thừa và sử dụng kết quả nghiên cứu cấp Nhà nước)
2.Nghiên cứu tích hợp các hệ thống kiểm soát thông gió, quan trắc khí mỏ nhằm xây dựng hệ thống giám sát tập trung phục vụ quản lý an toàn khí mỏ của các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh (đề tài cấp Nhà nước)
3.Nghiên cứu áp dụng công nghệ khai thác bằng giàn chống đối với các vỉa dày trung bình, độ dốc 35-55o ở các mỏ than hầm lò Quảng Ninh (đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu về công nghệ; sau đó triển khai nghiên cứu, thiết kế chế tạo giàn chống bằng nhiệm vụ KH&CN cấp TKV)
4.Nghiên cứu thiết kế, chế tạo băng tải công suất lớn trong vận tải giếng chính tại các mỏ than hầm lò(đề tài cấp Nhà nước; triển khai DA SXTN cấp TKV)
5.Nghiên cứu thiết kế, chế tạo tời cáp treo dùng để chở người trong các giếng nghiêng mỏ hầm lò (đề tài cấp Nhà nước; triển khai DA SXTN cấp TKV)
6.Nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng hồ bùn đỏ của nhà máy alumin đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế (đề tài cấp TKV)
7.Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt dây chuyền thử nghiệm hiệu suất động cơ điện ba pha và động cơ phòng nổ sử dụng trong hoạt động sản xuất và chế biến than -khoáng sản của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (đề tài cấp TKV)
8.Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào cơ giới hóa sản xuất và nạp nổ mìn trên khai trường mỏ lộ thiên(đề tài cấp cơ sở)
9.Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thay thế thiết bị tuyển truyền thống bằng thiết bị Cell tuyển (đề tài cấp cơ sở)
10.Đầu tư Phòng thí nghiệm than tự cháy (DAĐT sử dụng nguồn vốn từ Quỹ PT KH&CN TKV.
Với những lợi ích mang lại từ việc áp dụng đổi mới công nghệ giai đoạn vừa qua, giai đoạn đến năm 2025, TKV vẫn xác định “Tiếp tục thực hiện đổi mới, hiện đại hóa công nghệ theo hướng tăng cường áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất”.
Phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng rộng rãi CGH đồng bộ và bán CGH vào các công đoạn sản xuất chính tại trong khai thác, chế biến than - khoáng sản; sản lượng khai thác than CGH đồng bộ và mét lò chống neo toàn Tập đoàn chiếm khoảng 30% cơ cấu sản lượng khai thác than hầm lò và số mét lò đào mới của Tập đoàn.
Đến năm 2025, xây dựng được một số trạm vận hành không người trực; một số công đoạn sản xuất tại các nhà máy theo mô hình áp dụng Tự động hoá gắn với sản xuất thông minh dựa trên nền tảng số hoá giúp minh bạch hoá và tối ưu hoá quá trình sản xuất. Hoàn thành xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung toàn Tập đoàn trên nền tảng điện toán đám mây (cloud computing), kết nối trực tuyến thông suốt tới các đơn vị; ứng dụng rộng rãi tin học hóa trong quá trình sản xuất, điều hành của Tập đoàn.
TKV sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn tích cực phối hợp thử nghiệm và triển khai áp dụng các kết quả nghiên cứu thành công, phù hợp với sản xuất; đồng thời xem xét bố trí nguồn kinh phí đối ứng phù hợp để triển khai thực hiện Chiến lược, nhằm đưa ngành than – khai khoáng phát triển bền vững.
Các lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới:
+ Công tác tìm kiếm, thăm dò xuống đáy tầng than ở bể than Đông Bắc và bể than sông Hồng.
+ Công tác lựa chọn, đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác, vận chuyển, đổ thải, quản lý, điều hành mỏ lộ thiên phù hợp với điều kiện hiện nay.
+ Công tác CGH, TĐH đào lò, khai thác than hầm lò tại các mỏ hiện có.
+ Công tác thiết kế, lựa chọn phương pháp, công nghệ khai thác phù hợp cho các mỏ mới, đặc biệt là các mỏ thuộc bể than sông Hồng.
+ Công tác thay đổi công nghệ, cải tiến, thay thế thiết bị để nâng cao tỷ lệ thu hồi quặng ở các nhà máy tuyển than, khoáng sản, đặc biệt là các nhà máy tuyển bauxite, đồng.
+ Công tác thiết kế, chế tạo các thiết bị, công nghệ mới và thay thế nhập khẩu để phục vụ chương trình “3 HOÁ”: CƠ GIỚI HÓA – TỰ ĐỘNG HÓA – TIN HỌC HÓA của TKV.