Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa tổ chức, năm 2023 TKV đã vượt khó thành công, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đối với công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), Tập đoàn và các đơn vị luôn xác định công tác phòng chống thiên tai, mưa bão cần phải chủ động triển khai thực hiện theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ".
Điểm mới đặc biệt trong năm 2023, Tập đoàn đã ban hành Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai của TKV để các đơn vị làm căn cứ lập PA ứng phó phù hợp. Thực hiện kiện toàn tổ chức của Ban chỉ huy PCTT-TKCN từ Tập đoàn đến các đơn vị; Xây dựng phương án, kế hoạch PCTT-TKCN, thực hiện hiệp đồng phối hợp PCTT-TKCN, giả định các tình huống sự cố có nguy cơ xảy ra trong mùa mưa bão...,
Các đơn vị khai thác than hầm lò và lộ thiên xây dựng phương án thủ tiêu sự cố. Hằng quý, các đơn vị lập phương án ứng cứu sự cố thỏa thuận với Trung tâm Cấp cứu mỏ, trong đó có các giả định sự cố như: Cháy mỏ, nổ khí, bục nước, đổ lò, ngạt khí, xuất khí v.v..., thỏa thuận cùng các đơn vị nhằm đảm bảo sự phối hợp có hiệu quả giữa Trung tâm Cấp cứu mỏ và các đơn vị khi sự cố xảy ra.
Các đơn vị ký thỏa thuận/kế hoạch hiệp đồng với chính quyền địa phương, huy động lực lượng PCTT khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, Tập đoàn và các đơn vị đã tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí xung yếu, các công trình PCMB. Triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai với tổng giá trị thực hiện ước khoảng 93,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, năm 2023 toàn Tập đoàn đã triển khai trồng cây phủ xanh, cải tạo phục hồi môi trường kết hợp với chống xói mòn, rửa trôi đất đá các diện tích đã kết thúc khai thác và đổ thải được trên 235 ha (tại vùng Quảng Ninh là 220 ha). Tổng chi phí thực hiện các công việc phục vụ sản xuất và kết hợp phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, phòng chống mưa bão năm 2023 ước giá trị thực hiện khoảng 383,1 tỷ đồng, bằng 94,5% kế hoạch...
Năm 2024, Tập đoàn sẽ tiếp tục nâng cao năng lực chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; Chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng chống sạt lở, lũ quét, tràn đập, đảm bảo an toàn trước thiên tai với hoạt động sản xuất kinh doanh và địa bàn hoạt động của TKV. Chủ động triển khai công tác PCTT, lấy phòng làm chính, sẵn sàng ứng phó với các tình huống sự cố có thể xảy ra.
Để giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới sản xuất cũng như các khu vực dân cư lân cận, Tập đoàn sẽ thực hiện phương châm trong PCTT-TKCN là "3 trước": (1) chủ động phòng chống trước; (2) phát hiện xử lý trước; (3) phương tiện, vật tư chuẩn bị trước và "4 tại chỗ": (1) chỉ huy tại chỗ; (2) lực lượng tại chỗ; (3) phương tiện vật tư tại chỗ; (4) hậu cần tại chỗ. Các đơn vị hoàn thành khối lượng công việc, công trình PCTT, mưa bão xong trước ngày 19/4 (Cốc Vũ). Xây dựng phương án/kịch bản ứng phó với thiên tai (mưa/bão) theo cấp độ rủi ro thiên tai của đơn vị, tổ chức diễn tập các tình huống giả định sự cố do mưa bão của từng đơn vị vào thời điểm thích hợp.
Với thời tiết cực đoan và diễn biến khó lường, Tập đoàn TKV yêu cầu trong công tác PCTT-TKCN các đơn vị cần cần đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa, nhận diện các nguy cơ và có biện pháp xử lý kịp thời, chủ động thực hiện PCTT-TKCN theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" và "từ sớm, từ xa, từ cơ sở". Rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ rõ việc, rõ trách nhiệm; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, triển khai nghiêm túc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên và của TKV.
Tổng giám đốc, Giám đốc đơn vị phải có mặt chỉ huy tại hiện trường khi xảy ra sự cố. Các đơn vị xây dựng phương án PCTT-TKCN cụ thể, sát thực theo từng cấp độ, tổ chức diễn tập phương án; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và địa phương trong hiệp đồng tác chiến, huy động lực lượng, sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có sự cố xảy ra, không để ảnh hưởng đến sản xuất.