Theo báo cáo của Viện Khoa học Công nghệ mỏ - Vinacomin và Công ty Than Nam Mẫu, hiện nay dây chuyền sàng tuyển than của Công ty Than Nam Mẫu có hệ suất thấp, chưa tuyển sâu và hệ thống xử lý bùn nước gây thất thoát nhiều nước, các cụm sàng rải rác, điều khiển phân tán nên nhân lực đông, đặc biệt là chưa tuyển được các chủng loại than cám và than cục chất lượng cao.
Do vậy, việc đầu tư xây dựng Nhà máy tuyển than Nam Mẫu là rất cần thiết nhằm đáp ứng cho sản xuất của Công ty trong thời gian tới. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 800 tỷ đồng, công suất thiết kế 2,5 triệu tấn/năm tương ứng với công suất khai thác 2,5 triệu tấn than/năm của Than Nam Mẫu. Đồng thời, Công ty cũng dự kiến đầu tư xây dựng mở rộng, cải tạo các hạng mục công trình tại mặt bằng công nghiệp +130 của Than Nam Mẫu.
Theo chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV Phan Xuân Thủy, trên cơ sở công suất 2,5 triệu tấn than/năm của Than Nam Mẫu, tính chất than nguyên khai, độ sâu truyển, tiêu chuẩn các chủng loại than, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư sớm hoàn thiện dự án báo cáo Tập đoàn thẩm định, phê duyệt.
Đặc biệt là lựa chọn công nghệ sàng tuyển tiên tiến, đáp ứng các chủng loại than chất lượng cao, đa dạng sản phẩm; cần xây dựng lịch biểu thực hiện vừa đảm bảo sản xuất vừa triển khai dự án. Cùng với đó, Than Nam Mẫu cần thuê đơn vị tư vấn quy hoạch tổng thể mặt bằng công nghiệp, các hạng mục công trình và thực hiện theo phân kỳ phù hợp, đồng bộ, hiệu quả.
Đối với Công ty CP Than Vàng Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV Phan Xuân Thủy nhất trí với đề xuất đầu tư, cải tạo các hạng mục công trình tại Khu vực Cánh Gà, mặt bằng công nghiệp và đề nghị Công ty lập dự án báo cáo Tập đoàn. Các đơn vị cần rà soát kỹ và xây dựng dự án đầu tư một cách thật khoa học, nhất là lựa chọn công nghệ nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư và tính lâu dài cho các công trình, dự án phục vụ cho sản xuất.