Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tối ưu hoá hiệu suất
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI) là lĩnh vực kết hợp giữa khoa học máy tính và kỹ thuật để máy móc có khả năng tư duy như con người.
Việc kết hợp AI vào hoạt động kinh doanh đang phát triển nhanh chóng trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Bà Bee Kheng, Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN của tập đoàn công nghệ Cisco (Mỹ), đánh giá AI đang chuyển từ vị thế một công nghệ “có cũng được” sang “nhất định phải có” đối với các doanh nghiệp kể từ năm 2024.
Tại Việt Nam, trong khoảng vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, ngân hàng, y tế,... đã đưa AI vào trong các quy trình nghiệp vụ nhằm tối ưu hóa hiệu suất, tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như thúc đẩy đổi mới. Dễ thấy nhất là những chatbot thực hiện tư vấn cho khách hàng và gọi điện tự động. Trên thực tế, ứng dụng của AI rộng hơn so với nhiều người nghĩ.
Tiêu biểu, Tập đoàn Masan đã áp dụng công nghệ AI khi lên đơn hàng, giao nhận, chia chọn hàng hóa tại kho, nhằm vừa giữ lượng hàng tồn kho ở mức phù hợp nhất, vừa đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm tươi sống, cũng như giải quyết tình trạng thiếu đơn hàng tại hơn 3.600 cửa hàng và siêu thị thuộc chuỗi WinCommerce. Qua đó, góp phần tiết giảm tới 13% chi phí toàn chuỗi cung ứng.
Heineken Việt Nam sử dụng AI để nâng cao hiệu quả công tác bảo trì dự đoán (PdM). Trong đó, toàn bộ dữ liệu hoạt động của các máy móc được thu thập và phân tích để dự báo các rủi ro có thể xuất hiện trong quá trình sản xuất. Từ đó, các kỹ sư có thể chủ động can thiệp, hạn chế tình trạng máy dừng đột xuất, gây thất thoát nguyên liệu, đảm bảo năng suất lao động.
Đồng thời, hãng bia này cũng sử dụng AI để phân tích, dự báo nhu cầu tồn kho, tiêu thụ bia tại các điểm phân phối, từ đó tối ưu chiến lược phân phối và bán hàng.
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu việc tích hợp AI để hiểu rõ và dự báo nhu cầu mua sắm của khách hàng, cá nhân hóa chiến lược chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực bán lẻ; sáng tạo nội dung trong lĩnh vực giải trí; đánh giá và xử lý hồ sơ trong các công việc quản trị văn phòng; phân tích và so sánh để phát hiện lỗi, gian lận…
Internet vạn vật công nghiệp (IIoT) - Giải pháp cốt lõi cho Nhà máy thông minh
Internet vạn vật công nghiệp (Industrial Internet of Things, IIoT) là việc sử dụng các cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối với nhau thành một hệ thống giám sát, thu thập, trao đổi và phân tích dữ liệu theo thời gian thực trong sản xuất công nghiệp.
Mạng lưới này cho phép các công ty có bức tranh toàn cảnh, chi tiết về quá trình sản xuất, dễ dàng quản trị, tối ưu hóa hoạt động vận hành toàn nhà máy; nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hạn chế tình trạng gián đoạn hoạt động, nâng cao hiệu suất máy móc; và nâng cao an toàn sản xuất. IIoT là giải pháp công nghệ cốt lõi để xây dựng các “nhà máy thông minh”.
Nhờ việc xây dựng mô hình “nhà máy thông minh”, Nhà máy GE Hải Phòng thuộc Tập đoàn General Electric (Mỹ) đã tiết kiệm tới 30% thời gian hoàn tất đơn hàng, giảm lượng hàng tồn kho tới 20%, nâng cao năng suất thêm 15% và hiệu suất tổng thể tăng 25%. Các cảm biến, robot thông minh ở nhiều cấp độ được lắp đặt tại toàn bộ các khâu sản xuất của nhà máy đã giúp thu thập, số hóa, xử lý dữ liệu, từ đó hỗ trợ các kỹ sư vận hành ra các quyết định sản xuất tối ưu.
Đồng thời, dữ liệu tại nhà máy được kết hợp với dữ liệu từ khách hàng giúp nhà máy nhanh chóng điều chỉnh các thông số sản phẩm phù hợp với phản ứng thị trường, giúp tối đa hóa cơ hội kinh doanh và tránh thời gian ngưng hoạt động dây chuyền không cần thiết.
Xem thêm: "Nhà máy thông minh - Tương lai của ngành sản xuất" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tương tự, bằng việc kết nối dữ liệu các máy móc, thiết bị, các công đoạn sản xuất, cùng các bộ phận khác bằng công nghệ số, sử dụng IIoT làm nền tảng chính để điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất, năng suất lao động tại Nhà máy Takako Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP 1, Bình Dương) thuộc Tập đoàn Takako (Nhật Bản) đã được cải thiện 2,5 lần so với trước. Mô hình nhà máy của Takako Việt Nam đã được tập đoàn mẹ mua lại, đưa vào sử dụng tại 86 nhà máy trên toàn cầu.
Hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm và đang từng bước triển khai, ứng dụng công nghệ IIoT vào hoạt động sản xuất.
Gia tăng trải nghiệm người dùng với công nghệ thực tế ảo tăng cường
Thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality, AR) là công nghệ cho phép lồng ghép thông tin ảo (âm thanh, hình ảnh) vào thế giới thực, giúp người dùng có cái nhìn trực quan hơn về đối tượng ảo khi ở thế giới thực sẽ như thế nào. AR giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng và đang dần thay đổi cách chúng ta tương tác với thế giới xung quanh.
Trong lĩnh vực quảng cáo, công nghệ AR cho phép người xem tương tác với sản phẩm mục tiêu qua cử chỉ và nhiều giác quan, giúp thông điệp thương hiệu đến với khách hàng một cách dễ dàng, thú vị, phá vỡ các giới hạn của những kênh truyền thông truyền thống.
Ví dụ, người dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh, quét mặt trước của hộp sữa đậu nành Fami của Công ty Cổ phần Mía đường Quảng Ngãi để bước vào thế giới AR với những câu chuyện thú vị về hạt đậu nành cũng như tìm hiểu tại sao vỏ hộp giấy lại giúp thực phẩm an toàn và gần gũi với môi trường.
Các hoạt động quảng cáo sử dụng công nghệ AR khác như thiệp Valentine YoLove của YoMost, “Nông trại bay” của Dutch Lady, Mr. Yakult của Yakult Việt Nam, “Phiêu nhạc Tết, vui gắn kết” của Oreo đều giúp các nhãn hàng thu hút sự chú ý và tăng liên kết với người tiêu dùng theo một cách hoàn toàn mới.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng VIB đã tích hợp công nghệ AR vào ứng dụng ngân hàng số của mình nhằm tạo ra một “chuyên gia tài chính ảo”. Thay vì phải đến trực tiếp các chi nhánh ngân hàng, khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để được “chuyên gia tài chính ảo” tư vấn và tương tác trực tiếp, có cái nhìn trực quan hơn về các sản phẩm tài chính của Ngân hàng VIB.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp bất động sản đã sử dụng AR để giúp khách hàng thấy toàn bộ không gian bất động sản, các chi tiết không gian nội thất theo mọi góc độ, hướng nhìn thông qua website mà không cần đến trực tiếp dự án. Từ đó, nhân viên sales dễ dàng đưa ra phân tích, tư vấn cho khách hàng những bất động sản phù hợp nhất, tăng khả năng thành công trong giao dịch cũng như có thể giảm thời gian và chi phí kinh doanh.