Bước chân vào sản xuất xanh, doanh nghiệp sẽ áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng, sản xuất giúp giảm chi phí điện năng (như cửa sổ tiết kiệm năng lượng, sơn phản nhiệt, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED thay cho đèn huỳnh quang, cảm biến quang điện, hệ thống thông gió thu hồi nhiệt, máy biến tần…).
Đó không đơn thuần là tiết kiệm chi phí đầu vào để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mà sản xuất xanh còn giúp doanh nghiệp đạt được các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế, như ISO 14000 - tấm vé thông hành giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là những thị trường khó tính nhưng có mức chi tiêu cao như Mỹ, châu Âu, Australia…
Hãng Adidas yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu tại Việt Nam giảm 50% lượng nước, giảm 20% năng lượng và 75% lượng giấy sử dụng trên mỗi nhân viên. Adidas cũng đã kết nối với các cung cấp sợi bông sản xuất theo tiêu chuẩn "có trách nhiệm với cộng đồng" để thay thế 43% số lượng bông tiêu thụ hàng năm. Hãng này còn áp dụng phân tích định kỳ các nhà cung cấp về các chỉ số xanh, quy định mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ, nước sạch, khí thải CO2. Như vậy, sản xuất xanh là một yêu cầu bắt buộc cho các doanh nghiệp là nhà cung cấp của họ.
Còn Nike, một trong các đối tác lớn nhất của doanh nghiệp da giầy Việt Nam, đánh giá các nhà máy gia công trên 4 tiêu chí: chất lượng, đơn hàng, thời gian giao hàng và sản xuất bền vững. Các tiêu chí này có tầm quan trọng ngang nhau. Bên cạnh đó, Nike đưa ra kế hoạch trong 5 năm tới với nhiều mục tiêu tham vọng nhằm giảm lượng khí thải carbon như sử dụng vật liệu carbon thấp: Giảm 0,5 triệu tấn phát thải khí nhà kính bằng cách tăng tỷ lệ vật liệu thân thiện với môi trường lên mức 50% trong tổng số các nguyên vật liệu chính; phi carbon hóa chuỗi cung ứng: Thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và sử dụng các nhiên liệu thay thế, sẽ cắt giảm mức phát thải khí nhà kính từ hoạt động của các nhà cung cấp chính, đạt mức ngang bằng với năm 2020 hoặc thấp hơn cho dù tình hình kinh doanh được dự kiến là có tăng trưởng; sử dụng 100% năng lượng tái tạo: Giảm 70% lượng phát thải khí nhà kính tại các cơ sở do Nike sở hữu hoặc vận hành thông qua việc sử dụng 100% điện tái tạo và điện khí hóa phương tiện vận tải.
Đây là những tiêu chí Nike áp dụng cho nhà sản xuất chính hãng và các nhà cung cấp bản địa, trong đó có Việt Nam. Ông Noel Kinder, Giám đốc Bền vững của Tập đoàn Nike khẳng định: “Vì Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn cung ứng lớn nhất của Nike, việc hợp tác với các đối tác của chúng tôi tại Việt Nam có vai trò then chốt đối với việc hoàn thành các mục tiêu toàn cầu của mình. Và, cùng nhau, chúng ta có thể làm ra sản phẩm giày dép tại Việt Nam sử dụng năng lượng sạch, tạo ra mạng lưới điện xanh hơn, tận dụng nguồn vốn tư nhân để sản xuất điện và – trong quá trình đó – góp phần tạo ra nhiều việc làm có chất lượng”.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp thuần Việt đã quan tâm đến sản xuất xanh, để bảo vệ môi trường, vì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu. Với các nhà máy điện, sản xuất xanh trước hết hướng tới bảo vệ môi trường, thực hiện nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phương án ứng dụng công nghệ, để nhiệt điện than đang dùng trở nên sạch hơn và hiệu quả hơn. Một số giải pháp đã và đang được áp dụng phổ biến tại các nhà máy nhiệt điện than có thể kể đến như lắp đặt vòi phun UD để than dễ bắt cháy hơn, trộn phối than nội địa với than nhập khẩu để cải thiện chất lượng than đốt. Hoặc tối tối ưu hóa quá trình cháy với quy mô lớn bằng cách sử dụng phụ gia.
Kết quả thử nghiệm từ lò hơi số 3 công suất 300MW của Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cho thấy, Eplus và Reduxco đều đạt mục tiêu đặt ra với lò than PC sử dụng nhiên liệu than Antraxit. Cụ thể, cả hai loại phụ gia giúp tăng hiệu suất lò hơi trung bình khoảng 1%, giảm lượng than tiêu thụ khoảng 2.6%, hàm lượng carbon còn trong tro xỉ giảm khoảng 2.4% và các nồng độ loại khí thải NOx và SOx trong khói thải giảm trung bình giảm lần lượt 6,3% và 12,2%.
Một số doanh nghiệp khác hướng tới sản xuất xanh để mở cửa thị trường xuất khẩu khó tính. Mới đây, PVN đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển năng lượng hydro - được coi là nguồn năng lượng xanh, không phát thải. PVN đã xác định nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược, chính sách tạo khung pháp lý cho việc phát triển năng lượng hydro. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, tiếp cận các công nghệ mới trong chuỗi sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng hydro. Đồng thời, nghiên cứu xu thế phát triển hydro trên cơ sở đặc thù ngành và lợi thế sẵn có của Việt Nam. Trong đó tập trung xác định có hay không các mỏ, vỉa hydro tự nhiên; nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị hydro, đặc biệt chuỗi năng lượng tái tạo - hydro - pin nhiên liệu/sản xuất điện - sản xuất các sản phẩm hóa dầu (đạm, amoniac, methanol...). Chiến lược phát triển năng lượng hydro được đánh giá là mở ra cơ hội xuất khẩu “xanh”, có thể vượt qua bất cứ hàng rào kỹ thuật nào trên thế giới.