Trong bộ quần áo giáo dục an ninh mới tinh màu cỏ úa, Lê Phương Linh - lớp D19 Kế toán kiểm soát 2, Trường Đại học Điện lực hồ hởi kể niềm vui được kết nhiều bạn mới, quen với tác phong quân đội tại Trung tâm Giáo dục thể chất - Quốc phòng an ninh (Trường Đại học Điện lực cơ sở 2, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội).
Những chuyến đi của thanh xuân
Ở cùng 9 bạn học nữa trong ký túc xá 8 tầng, dù không có điều hòa nhưng không khí trong lành và thoáng mát, không điện thoại, cô sinh viên này vẫn cảm thấy vui vì có nhiều thời gian tìm hiểu về trường, học thêm nhiều kỹ năng mềm, nhưng cũng vui nhất là gấp chăn màn “kiểu nhà lính”. Là tân sinh viên tham dự khóa giáo dục quốc phòng an ninh tại trung tâm, Linh không tỏ ra bỡ ngỡ vì em đã từng trải nghiệm làm một quân nhân tại đây cách đây không lâu.
Theo Linh, khi còn là học sinh THPT Nguyễn Huệ, em từng tham gia khoá trải nghiệm học gấp chăn màn, sinh hoạt theo các chế độ trong ngày, tìm hiểu về lịch sử quân sự tại trung tâm, tìm hiểu về Trường Đại học Điện lực, cũng như được các thầy cô tư vấn định hướng nghề nghiệp.
Em kể ngoài trải nghiệm đó, qua buổi tư vấn tuyển sinh của thầy cô Trường Đại học Điện lực các bạn trong đoàn đã hiểu hơn về các chương trình đào tạo, cơ hội việc làm sau này khi theo học đại học tại trường.
Vui nhất, với Linh, đó là bản thân có thói quen ăn uống đầy đủ, sức khoẻ tốt hơn, nhưng cũng đen hơn (cười). Khi ấy, tâm trí nữ sinh 17 tuổi vẫn còn mông lung, chưa biết chọn ngành nào. Nhờ thầy cô tư vấn ngành Kế toán, phát huy sở trường toán học, em nói chuyện nghiêm túc với gia đình. “Bố mẹ tôn trọng quyết định của em, bảo con muốn học trường nào cũng được miễn là yêu thích môi trường học”, Linh bộc bạch. Cuối cùng Linh chọn trường Đại học Điện lực để chuẩn bị hành trang trong tương lai.
Trong khi đó, Nguyễn Quang Phát, lớp D19 Cơ khí ô tô, Trường Đại học Điện lực, hào hứng nói đây là lần thứ 3 em được trải nghiệm môi trường quân đội tại đây. Khác với các bạn, em đã tham gia ngoại khoá 3 ngày 2 đêm được hai lần khi còn học ở Trường THPT Bắc Thăng Long. Mỗi lần lại một kỷ niệm đáng nhớ. Phát chia sẻ từ việc học gấp chăn màn, nội vụ vệ sinh tới điều lệnh đội ngũ rèn cho em ý chí, nỗ lực hơn khi về lại lớp học.
“Em rất thích trải nghiệm nên khi thấy được đến trường đại học để trải nghiệm, em đăng ký ngay. Ngay lần đầu tham gia hội thao, em đạt giải. Hôm cuối trước khi về, em còn được các thầy tư vấn học khối A, thích kỹ thuật, đam mê xe hơi, yêu thích tìm hiểu máy móc thì nên học ngành cơ khí ô tô. Khi nói chuyện, bố mẹ em đồng ý ngay, miễn là em sống thực sự với ước mơ, không bỏ cuộc”, Phát cười nói.
Ngoài Linh, Phát, trong khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh rợp bóng mát, tại Trường Đại học Điện lực cơ sở 2, nhiều sinh viên tuổi 18 vui vẻ tham gia chơi bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ. Một góc sân trường khác, nhiều bạn tươi cười, trêu đùa nhau theo điệu nhảy cha cha cha…
Trải nghiệm làm sinh viên trường điện
Thầy Trần Thanh Hoài - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thể chất - Quốc phòng an ninh (Trường Đại học Điện lực), cho hay Chương trình GDPT 2018 khuyến khích có tiết trải nghiệm, ví dụ quốc phòng an ninh nhưng không cấp chứng chỉ, không tính điểm.
“Mục đích để các em học sinh làm quen nề nếp quân đội và rèn luyện nội vụ vệ sinh, tăng kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết. Những năm qua, nhiều trường đưa học sinh đến trải nghiệm như các anh chị sinh viên chỉ ít ngày song kết quả rất tích cực”, thầy Hoài bày tỏ.
Theo thầy Hoài, những chuyến trải nghiệm của học sinh THPT vừa giúp các em trải nghiệm, tham quan phòng học, phòng thí nghiệm, vừa học kỹ năng phòng cháy chữa cháy, thoát nạn khẩn cấp. Các em cũng được thực hành nấu ăn trên bếp Hoàng Cầm, nghe kể về các câu chuyện lịch sử để bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Kết thúc chuyến đi, Phòng quản lý đào tạo và Ban tuyển sinh Trường Đại học Điện lực cử cán bộ tư vấn, trả lời câu hỏi về định hướng chuyên ngành, cơ hội nghề nghiệp hoàn toàn miễn phí. Qua nắm bắt, rất nhiều em sau chuyến đi đó trở thành tân sinh viên của nhà trường. Cách làm này cũng được phụ huynh ủng hộ, đánh giá cao.
Đặc biệt, hành trình trải nghiệm của học sinh, Trường Đại học Điện lực hỗ trợ các Trường THPT về cơ sở vật chất như phòng nghỉ, sân bãi tổ chức thể thao - văn nghệ, cử cán bộ giảng dạy và hướng dẫn học sinh trải nghiệm miễn phí, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Còn về đi lại, ăn uống, các Trường THPT cũng chia sẻ với phụ huynh học sinh trên tinh thần tiết kiệm, hỗ trợ các em tối đa. “Trước khi rời trung tâm, các em còn được tặng quà để lưu giữ kỷ niệm, biết đâu sẽ là tân sinh viên của trường trong tương lai…”, thầy Hoài cho hay.
Miễn phí tiếp nhận học sinh trải nghiệm
Lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thể chất - Quốc phòng an ninh (Trường Đại học Điện lực) cũng cho biết, các trường THPT đến với nhà trường ở cơ sở 2 để trải nghiệm cho học sinh đều hoàn toàn miễn phí, chủ yếu vào dịp cuối tuần, nghỉ hè. Ngoài đưa học sinh trải nghiệm môi trường quân đội, thầy cô còn giới thiệu về Trường Đại học Điện lực, tổ chức hoạt động thể thao - văn nghệ...
Tìm hiểu của phóng viên, Trường Đại học Điện lực với mong muốn làm công tác về cộng đồng, tạo điều kiện cho học sinh các trường THPT có cơ hội được trải nghiệm môi trường học tập quốc phòng an ninh và môi trường học tập tại một trường đại học.
Học sinh trải nghiệm tại cơ sở cũng là dịp quảng bá, giới thiệu về nhà trường trong hoạt động tuyển sinh. Sau hoạt động trải nghiệm, số học sinh đăng ký dự thi vào Trường Đại học Điện lực tăng lên, bởi các em được hướng nghiệp, xác định mục tiêu nghề nghiệp, cơ hội việc làm trong tương lai.
Với sự quan tâm của Bộ Công Thương, nhiều năm qua, cơ sở vật chất Trường Đại học Điện lực không ngừng được đầu tư, hiện đại hóa. Cơ sở 2 của nhà trường chỉ cách cơ sở 1 khoảng 30km song được trang bị cơ sở vật chất, vũ khí trang bị, tài liệu phục vụ giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh đúng tiêu chuẩn cả về số lượng và chất lượng.
Được sự quan tâm của các cơ quan quân sự cấp trên, nhà trường đã hỗ trợ các loại vũ khí, trang thiết bị giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng an ninh. Nhà trường còn xây dựng, đưa vào sử dụng Thao trường huấn luyện nội dung chiến thuật hơn 1.500 m2, Thao trường kỹ thuật bộ binh 1500 m2 và Sân chào cờ, điều lệnh đội ngũ 4.000 m2. Các phòng học chuyên dùng được thiết kế gọn gàng, khoa học, thuận tiện.