Một trái tim mang sứ mệnh cải tổ mạnh mẽ công tác kinh doanh - dịch vụ khách hàng của EVN trong tiến trình hội nhập kinh tế số.
Sức hấp dẫn của CMIS
Trước khi về làm việc tại Ban Kinh doanh EVN, anh Bùi Quốc Hoan đã từng là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng CMIS. “Năm 2002, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi và một số người được tuyển dụng vào Trung tâm Công nghệ Thông tin của EVN (nay là Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin - EVNICT). Có thể nói, chúng tôi được tuyển vào là để chiến đấu với CMIS”, anh Hoan nhớ lại.
Tiếp cận ban đầu với công việc tại EVN, đội ngũ làm IT lúc đó như “tờ giấy trắng”. Họ chưa một lần va chạm với nghiệp vụ của ngành Điện, chưa được tiếp xúc với dàn thiết bị mới “cóng” tại thời điểm đó. Và trách nhiệm của họ là phải “vẽ” nên hình hài của CMIS, tích hợp hoàn hảo hai yếu tố: Công nghệ và nghiệp vụ ngành Điện. Chỉ khi nào chuyển hóa được các nghiệp vụ cụ thể trong lĩnh vực kinh doanh điện vào CMIS, phần mềm này mới thật sự mang lại hiệu quả thiết thực. Vì thế, Tổ Phát triển CMIS được thành lập, có cả người thực hành nghiệp vụ, cùng với đội ngũ IT.
Khi bắt đầu viết phần mềm CMIS, cơ sở công nghệ thông tin của EVN được đánh giá là khá hiện đại ở Việt Nam. Nhưng, thực tế cho thấy, mỗi tỉnh, mỗi công ty điện lực đang sở hữu một phần mềm riêng. Và CMIS phải đảm đương sứ mệnh: Tích hợp, đồng bộ và thống nhất dữ liệu của toàn hệ thống trong EVN.
Trao đổi về vấn đề này, anh Bùi Quốc Hoan cho biết, nền tảng IT của EVN lúc đó mới chỉ giải quyết được những sự cố như Y2K. Còn về tính đồng bộ thì chưa thể. Mỗi đơn vị điện lực tự phát triển một phần mềm phục vụ lĩnh vực kinh doanh, tài chính của mình. Vì thế, xây dựng phần mềm thống nhất trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính của Tập đoàn là mục tiêu và điều trăn trở của mỗi thành viên Tổ Phát triển CMIS. Cũng phải nói rõ, lúc đó, EVN đã mời chuyên gia nước ngoài về tư vấn. “Nhưng chẳng có giải pháp nào bằng giải pháp tự mình phát triển cả”, anh Hoan khẳng định. Đó cũng là lời khẳng định về bản lĩnh của tuổi trẻ IT ngành Điện: Dám đối diện với thử thách, tự tin và tự chủ về bí kíp của nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ CNTT .
“Cải tử hoàn sinh” máy chủ tại Điện lực Ba Đình
“Tôi đã nghiên cứu sâu về dot.net. Theo ý kiến của lãnh đạo, có 2 vấn đề xuyên suốt của CMIS là: Phải lập trình trên ngôn ngữ dot.net và toàn bộ công cụ không mua của nước ngoài”, anh Hoan cho biết. Đặc biệt, dữ liệu từ khối kinh doanh của EVN sẽ phát sinh, biến động rất lớn. Do đó, công nghệ về quản lý dữ liệu được chọn phải là Oracle.
Miệt mài liên tục trong vài năm, đến năm 2004, Tổ Phát triển cho ra đời CMIS 1.0. Phần mềm được đưa vào thí điểm đầu tiên của Công ty Điện lực Ba Đình (Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội). Khi máy chủ đang chạy CMIS bỗng dưng… đột ngột dừng. Không thể khởi động lại, dù đội ngũ IT đã trổ hết tài thao tác kỹ thuật. Máy chủ nằm im, nghĩa là dữ liệu mất hết. Căng thẳng và nan giải đến mức, EVN buộc phải mời chuyên gia của Oracle (Mỹ) sang. Chuyên gia Oracle lắc đầu, không có bất cứ một giải pháp nào có thể kích hoạt cơ chế sao lưu cho CMIS.
Phút cuối, rất may, vị chuyên gia này đã dùng một tool (công cụ) để tạo ra một khối dữ liệu. Nhưng, dữ liệu này không rõ ra file gì, có nội dung ra sao, không có thư mục. Muốn khôi phục nó, bộ phận kĩ thuật phải mò tìm từng file. Và nếu thế, biết bao giờ mới xong khi có hàng vạn file?
Trong cái khó, ló cái khôn. Bùi Quốc Hoan nghĩ “kế” bắt “trái tim” phải “đập”. Một phép tính dựa trên hệ nhị phân file trắng và file thực. File trắng là dữ liệu ảo. File thực là dữ liệu chính xác. Tổng hợp file trắng và file thực sẽ làm nhiệm vụ: Đánh lừa hệ thống cơ sở dữ liệu Orcale. Và những người làm IT đã có cú “lừa” thành công, máy chủ khởi động được. Mừng đến rơi nước mắt khi “cải tử hoàn sinh” cho CMIS ngay ở đợt thí điểm đầu tiên. Tình huống về dữ liệu này về sau trở thành “bí kíp gia truyền” của đội ngũ IT phát triển CMIS.
Vẫn còn cả nhật ký bằng thơ...
CMIS 1.0 thí điểm ở các tỉnh miền Bắc, miền Nam. Vấn đề tích hợp dữ liệu luôn được đội ngũ cán bộ IT kiểm soát chặt chẽ. “Bài toán” nghiệp vụ của Điện lực khu vực miền Bắc là: Một khách hàng có nhiều công tơ. Còn miền Nam là: 1 khách hàng, 1 công tơ, nhưng thiếu đồng bộ về dữ liệu. Vì thế, nổi cộm khi thí điểm CMIS 1.0 là đưa đồng bộ dữ liệu lên hệ thống. Đặc biệt, miền Nam xảy ra tình trạng loạn ID. Vì thế, các thành viên của Tổ Phát triển CMIS luôn phải khẩn trương và trực tiếp đi các tỉnh, hỗ trợ vùng thí điểm.
Trong nhật ký của Tổ, vẫn còn những câu thơ rất... đời. Là một phút trầm tư khi nghĩ về các vấn đề nan giải: “Tưởng rằng Cờ Mít sân chơi/Ai ngờ sóng gió tơi bời tuổi xuân”. Là một đêm mệt nhoài với việc thí điểm CMIS ở các tỉnh Bình Dương, Long An: “Từ ngày Cờ Mít vào Nam/Anh em chỉ biết có làm, không nghi (nghỉ)”. Là nỗi nhớ của tuổi thanh xuân rất chân thành trong tình yêu đôi lứa: “Những tháng ngày xa nhau biền biệt/Em có quên phố cũ ta về?”.
CMIS 1.0 được coi là một cú va chạm khá mạnh của dân IT vào thực tế nghiệp vụ ngành Điện. Vì thế, giấc ngủ của dân IT chẳng bao giờ đủ 8 tiếng, họ sợ cả tiếng chuông điện thoại gọi tới. Khi đó, có thể là một đống hóa đơn bị in sai, hay là loạn ID mà Điện lực tỉnh không thể xử lý. Những trang nhật ký bằng thơ đầy nỗi niềm băn khoăn, trăn trở, suy tư: “Đêm đêm gục đầu trên bàn phím/Lòng mơ màng màu tím tuổi thơ ngây”, rồi “Từ ngày Cờ Mít sửa thêm/Chẳng còn khái niệm là đêm hay ngày”.
Trang nhật ký đồng hành với cường độ làm việc của Tổ Phát triển từ CMIS 1.0 đến CMIS 2.0. Bao nhiêu gian nan, vất vả rồi cũng đến lúc thu được thành công , CMIS 2 được “trình làng” năm 2009 nhờ có sự ủng hộ quyết liệt từ lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Còn lãnh đạo các đơn vị cấp dưới, khi đã xác định được mục tiêu là rất máu lửa. “Ở PC Thái Nguyên, lãnh đạo “lôi” hết anh em từ các chi nhánh về Công ty làm ngày làm đêm. Sự quyết tâm đầy máu lửa của lãnh đạo ấy phải chiếm 70% độ thành công của CMIS. Còn anh em IT làm phần mềm chỉ chiếm 30% thôi”, anh Bùi Quốc Hoan nói.
Từ 2017, CMIS bắt đầu được phát triển lên phiên bản 3.0. Tới nay, CMIS 3.0 được nâng cấp hoàn chỉnh, trở thành “trái tim mạnh mẽ” của hệ thống của dịch vụ chăm sóc khách hàng mà EVN xây dựng. Các kênh của 5 Trung tâm Chăm sóc khách hàng ngành Điện đều có đích cuối nhập dữ liệu về CMIS. CMIS 3.0 hiện nay đã đủ mạnh, tạo ra xu hướng khai thác dữ liệu lớn, tốc độ cao, phục vụ cho công tác điều hành của EVN.