Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong cuộc chiến chống khủng hoảng và lạm phát

Lần thứ ba đất nước ta lại đang đứng trước thách thức của cơ chế thị trường và hội nhập, sau khi vượt qua lần đầu vào những năm 1986-1992, lần hai vào năm 1997-1998… 3 cuộc khủng khoảng thế giới, khu

Có thể nói, cả 3 cuộc khủng hoảng trên đều có chung nguyên nhân là vi phạm các “luật chơi” trong đời sống kinh tế và xã hội. Cả 3 cuộc khủng hoảng đều cho thấy sự bình tĩnh, tự tin, năng động và sáng tạo sẽ cho phép Việt Nam tìm ra lời giải tối ưu xử lý các vấn đề trong nước và góp phần tích cực vào sự phát triển ổn định chung của khu vực và thế giới.

Mỗi khi có khủng hoảng, Trí tuệ và Bản lĩnh Việt Nam lại được dịp bộc lộ và phát huy. Tinh thần đoàn kết và sự đồng thuận trong cộng đồng Việt Nam lại được dịp thử thách và củng cố, sự chỉ đạo của Nhà nước được tăng cường, trở nên tập trung, nhất quán hơn và có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cấp, ngành và địa phương, sử dụng đồng bộ và linh hoạt hơn các giải pháp hành chính và thị trường. Nhờ trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, trên thực tế, nhất là từ nửa cuối năm 2008, đã và đang xuất hiện một số dấu hiệu mới tích cực cho phép cảm nhận về sự chuyển sáng dần của bức tranh triển vọng kinh tế nước ta trong thời gian tới. Nổi bật là, đang có sự cải thiện dần các chỉ số lạm phát và thâm hụt thương mại. Mối lo về cuộc khủng hoảng tiền tệ đã dịu đi; thanh toán quốc tế vẫn được duy trì ổn định, sự căng thẳng thâm hụt trong cán cân thanh toán đang dần được cải thiện, dự trữ ngoại tệ được bảo tồn và tăng thêm; thị trường nội tệ và ngoại tệ đã có sự ổn định trở lại, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD trên thị trường“chợ đen” đã giảm sâu… Thâm hụt thương mại được cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện vẫn thuộc hàng đầu các nước trong khu vực. Sự mở rộng các mặt hàng sản xuất xuất khẩu là rất ấn tượng. Uy tín và “thương hiệu Việt Nam” đang ngày càng được củng cố trong sự nhìn nhận và lựa chọn của thế giới. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang có những dấu hiệu rất tốt, đặc biệt kết quả thu hút FDI đạt mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử đất nước. Dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng có dấu hiệu gia tăng trở lại; Xu hướng đẩy mạnh mua vào cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đậm nét hơn; Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã bước sang giai đoạn tăng tốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, cần thấy rằng trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam đang và sẽ còn được thử thách và nâng cao. Kết quả chống lạm phát, vượt qua khủng hoảng thế giới và triển vọng phát triển kinh tế bền vững ở nước ta đã, đang và sẽ còn tuỳ thuộc rất lớn vào quyết tâm và cách thức tháo gỡ các “nút thắt” sau:

Thứ nhất, tuân thủ các yêu cầu, lẫn quy trình của kinh tế thị trường, coi trọng tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm của các mục tiêu, loại công cụ chính sách và sự phối hợp ăn khớp cần có giữa các cơ quan chức năng hữu quan, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế-xã hội...

Cần sớm khắc phục một số những vướng mắc, mâu thuẫn trong nhận thức về quyền lực chủ quan của nhà nước với sức mạnh thị trường khách quan; tính ôm đồm đa mục tiêu với tính cụ thể và có hạn trong hoạch định kế hoạch phát triển ngắn và trung hạn vĩ mô và vi mô; sự chi phối ít nhiều bởi tư duy nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ, địa phương, của sự “vận động hành lang” và cơ chế quan liêu, hình thức... đã, đang và sẽ từng ngày, từng giờ tồn tại và phát tán tiêu cực, làm đình trệ, hạn chế, thậm chí biến dạng công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Cần cắt giảm các chi tiêu công không mang tính sản xuất và không phục vụ cho các mục tiêu bảo đảm xã hội, cũng như không góp phần vào việc cải thiện căn bản cơ cấu và hiệu quả sử dụng vốn vay của khối các tổng công ty và tập đoàn DNNN, mà hiện đang chiếm giữ tới hơn 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% tổng dư nợ quốc gia và hơn 80% tổng dư nợ tín dụng. Chắc chắn lạm phát (bao gồm cả lạm phát tiền tệ, lẫn lạm phát cơ cấu và lạm phát chi phí đẩy) sẽ gia tăng áp lực nếu không ngăn chặn kịp thời “sự liên minh ma quỷ” giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các ngân hàng thương mại nhà nước và các quan chức có liên quan trong việc vay và cho vay vốn, đầu tư chéo, đầu tư đa ngành hang ngàn tỷ đồng mang nặng tính đầu cơ, trục lợi cá nhân hoặc phe nhóm, lũng đoạn thị trường và lãng phí các nguồn lực quốc gia.

Cần hỗ trợ sự hình thành những tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực nhà nước, ngoài nhà nước, sao cho chúng đủ sức trở thành đối tác bình đẳng với các công ty nước ngoài không chỉ trên thị trường nội địa, mà còn cả trên thị trường khu vực và quốc tế. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng xây dựng các quy hoạch, dự án; thực hiện nghiêm túc các quy định về đấu thầu thực chất( chống thông thầu, ép thầu và đánh trận giả kiểu « quân xanh quân đỏ ») ; tăng cường kiểm toán độc lập, xây dựng và áp dụng rộng rãi hệ thống chỉ tiêu hiệu quả và hệ số tín nhiệm. Về dài hạn, cần chuyển nhanh từ mô hình “nhà nước – nhà đầu tư lớn nhất” và phát triển chủ yếu theo bề rộng hiện nay, sang mô hình “nhà nước – nhà quản lý công” và phát triển theo bề sâu, đi đôi với việc chuyển nguồn động lực chính trong đâu tư phát triển kinh tế từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước, phù hợp tinh thần cốt lõi của công cuộc đổi mới và theo xu hướng chung trên thế giới. Mặt khác, cần sớm thiết lập cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ có sự kiểm soát một cách hiệu quả đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chưa tự do hóa cao như ngành Than và kinh doanh xăng dầu, và một số mặt hang khác, mà cụ thể là phải tạo ra sự cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh trong việc cung cấp các sản phẩm và nguyên ,nhiên liệu đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, rồi mới bãi bỏ sự kiểm soát hành chính về giá cả. Đồng thời, cần nâng cao năng lực và hiệu quả thực tế của Nhà nước trong giám sát, kiểm soát và xử lý sự độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các doanh nghiệp và các bên có liên quan. Trước mắt, cần tăng cường công tác kiểm toán giá và các chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp độc quyền hoặc gần như độc quyền để giảm thiểu các chi phí không hợp lý, làm giảm giá thành đầu ra của các sản phẩm, từ đó giúp giảm giá đầu vào của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần hạ mức giá chung và nâng cao sự lành mạnh của thị trường và sự bình đẳng của xã hội.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo, phản biện và chủ động các phương án và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng...

Cần coi trọng đúng mức và phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu dự báo khách quan với mục tiêu chính sách và ý chí chủ quan. Dự báo cần bám sát, cập nhật và đưa ra các cảnh báo cần thiết về các biến động thị trường khách quan trong nước và quốc tế. Đồng thời, cần coi trọng dự báo tác động 2 mặt của chính sách theo yêu cầu quản lý kinh tế thị trường. Việc dự báo, đánh giá tác động 2 mặt tích cực

và tiêu cực cả về xu hướng định tính, lẫn về định lượng của việc áp dụng các chính sách và định mức cụ thể trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước là rất quan trọng, nhất là với những mặt hàng đầu vào nhạy cảm của đời sống kinh tế - xã hội. Cả về lý thuyết, lẫn thực tế đều cho thấy, xuất phát từ lợi ích hoặc mục tiêu cục bộ hạn hẹp của ngành và đơn vị mình, cũng như cả từ các sức ép đa chiều khác, các cá nhân hoặc tổ chức được phân công thực hiện dự báo, nếu có lợi ích gắn liền hoặc bị chi phối cao bởi các đơn vị kinh doanh độc quyền nêu trên, chắc chắn trong quá trình tiến hành và công bố kết quả dự báo sẽ khó bảo đảm việc tính đúng, tính đủ và công khai các tác động 2 mặt, nhất là mặt trái và các hệ lụy dây chuyền khôn lường do những chính sách và mức giá mà họ đề nghị và mượn tay Chính phủ áp đặt cho xã hội. Việc coi nhẹ các phản biện xã hội và các đánh giá tác động chính sách (định kỳ hoặc đột xuất) trước và sau khi ban hành do các tổ chức chuyên nghiệp và độc lập thực hiện theo đặt hàng của cấp có thẩm quyền, khách quan, cũng là một bất cập khác trong quy trình lập pháp nói chung, trong công tác dự báo kinh tế nói riêng ở nước ta. Việc thành lập, bổ sung mạng lưới các cơ quan có chức năng chuyên trách xây dựng, phản biện và đề xuất hoàn thiện các chính sách quản lý nhà nước các cấp từ TW xuống các địa phương, trước hết là các Phòng Chính sách và Dự báo kinh tế ở các sở kinh tế tham mưu tổng hợp cho chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW( như sở KH&ĐT, sở Tài chính…) là cần thiết để khắc phục các hạn chế này, nhất là trong việc sớm phát hiện các bất cập, ngăn chặn sự lạm dụng và đề xuất các bổ sung cần thiết kịp thời cho các chính sách mà TW đã ban hành. Ngoài ra, cần coi trọng việc xây dựng hệ thống số liệu và dữ liệu thông tin chuyên ngành trực tiếp phục vụ công tác dự báo kinh tế; khắc phục tình trạng phân tán, chia cắt, rời rạc, đóng băng và thiếu chuẩn hoá thống nhất giữa các nguồn và đơn vị quản lý thông tin, nhất là không được phổ biến rộng rãi, công khai, gây khó khăn và đắt đỏ cho các đơn vị và cá nhân có nhu cầu tiếp cận, khai thác và sử dụng các thông tin này, cũng như tạo ra những cơ hội thu lợi bất chính cho các tổ chức và cá nhân quản lý các thông tin đó, đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và gia tăng sự lãnh phí các nguồn lực xã hội. Ngoài ra, cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự phối hợp ăn khớp cần có giữa các cơ quan chức năng và các loại công cụ dự báo, giữa công tác dự báo với công tác tổ chức thực hiện. Dự báo tốt giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả điều hành thực tiễn. Còn việc bám sát thực tiễn điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp công tác dự báo thêm cơ sở tin cậy và mềm dẻo, chính xác hơn.

Thứ ba, trọng dụng người tài là coi trọng cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng, là điều kiện và giải pháp cần thiết để củng cố bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong quá trình phát triển......

Tham nhũng làm thất thu và thất thoát, cũng như làm giảm hiệu quả chi NSNN, làm nản lòng nhà đầu tư trong và ngoài nước, làm giảm hiệu lực những luật định quản lý kinh tế - xã hội (nhất là với chính sách chống đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả......), làm gia tăng tình trạng rối loạn kỷ cương xã hội, mất đoàn kết và uy tín quốc gia, gây cản trở cho sự vận hành thông suốt của nền kinh tế với tư cách một chỉnh thể tự nhiên, làm giảm hiệu lực và hiệu quả các chính sách, uy tín của Nhà nước, là trở ngại lớn nhất, kẻ thù nguy hiểm nhất từ bên trong đối với công cuộc đổi mới và phát triển ở Việt Nam... Vì thế, để củng cố bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong tương lai, không thể không bao hàm nội dung chống tham nhũng triệt để. Nhằm mục đích đó, cần phải khắc phục sự không minh bạch giữa hai hệ thống quyền lực Đảng và Nhà nước. Dân chủ hoá đời sống kinh tế - xã hội phải được tăng cường, đi đôi với xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh. Pháp luật là tối cao, không có cá nhân nào đứng trên pháp luật; Các thủ tục hành chính phải đơn giản hoá, công khai, công bằng, thống nhất, nhanh chóng và trực tiếp. Việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn trong hệ thống cơ quan hành chính phải gắn liền với tăng cường trách nhiệm trực tiếp và cuối. Kiên quyết loại bỏ những phần tử và cả những bộ phận quan chức tham nhũng. Mặt khác, ngày càng cải thiện đời sống cho công chức nhà nước, đảm bảo sự tin tưởng và an toàn vào cuộc sống tương lai của họ để họ an tâm công tác, không cần phải tham nhũng vì túng thiếu. Tăng cường trang bị cơ sở vật chất – kỹ thuật cho công tác quản lý nhà nước. Hiện đại hoá các công nghệ quản lý nhà nước, đi đôi với nâng cao đạo đức, lý tưởng và năng lực nghiệp vụ chuyên môn của công chức nhà nước.... Cơ chế đào tạo, tập hợp và trọng dụng nhân tài trong tương lai phải bao hàm những khía cạnh, tạo sự di chuyển chất xám tự do trong thị trường lao động theo “quy luật tối ưu” của tự nhiên, thoả mãn các điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho nhân tài. Bảo đảm nguyên tắc “người nào - việc nấy”. Không thể để tiếp diễn tình trạng người biết làm việc thì không có việc làm, người làm việc lại không biết cách hoặc làm việc kém hiệu quả. Các quan chức hành chính không thể đứng thay vào vị trí của các nhà khoa học và các doanh nhân thực thụ. Loại hình lao động quản lý làm thuê cần được coi trọng, phát triển để đáp ứng nhu cầu về giám đốc cho các công ty cổ phần (kể cả cho các DNNN). Các thang bậc giá trị xã hội phải có sự thay đổi. Không chỉ các vị lãnh đạo nhà nước, mà các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nhân, lao động lành nghề, các chuyên gia trong mọi lĩnh vực ngành nghề kinh tế - xã hội đều phải được tôn trọng và được đối xử như nhau trong dư luận xã hội và trong hưởng thụ lợi ích vật chất tương xứng với tài năng và đóng góp có ích cho xã hội của họ. Phải coi trọng việc phát hiện, lựa chọn và sử dụng đúng những nhân tài đầu đàn, nếu chọn sai đầu đàn thì cả đội ngũ sẽ kém hiệu lực và phát sinh nguy cơ hạ thấp dần trình độ cán bộ, công chức nhà nước. Lợi ích kinh tế cá nhân phải được tôn trọng cùng với lợi ích cộng đồng và siết chặt kỷ luật lao động. Không chỉ sử dụng biện pháp giáo dục hành chính, mà còn cần dùng cả biện pháp cạnh tranh - thất nghiệp, để nâng cao hiệu quả và kỷ luật lao động. Tăng cường kiểm tra, thanh lọc và trừng phạt những lao động lười biếng, gian dối, kém hiệu quả. Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng, sự tồn tại đông đảo lực lượng lao động có thu nhập thấp, kém đào tạo tay nghề và những người nghèo khổ, trong khi hệ thống an sinh xã hội chưa được coi trọng và phát triển, sẽ luôn luôn là nguồn sung lực tiềm tàng gây ra sự bất ổn về kinh tế xã hội, thậm chí đe doạ sự tồn tại cả chế độ chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Đặc biệt, cần quan tâm giải quyết tốt nhu cầu cần về xây dựng, củng cố và phổ biến rộng rãi nhận thức về các giá trị xã hội chuẩn chung nhằm tạo sự đồng thuận xã hội rộng rãi trong nước và quốc tế, kể cả với Việt Kiều, tạo thước đo tin cậy trong định hướng, đánh giá các hoạt động kinh tế – xã hội cũng như nhu cầu về xây dựng các thiết chế đủ hiệu lực bảo vệ, phát huy hiệu quả các nguồn lực và sức mạnh của quốc gia, của các địa phương và doanh nghiệp trong nước và quốc tế cho phát triển bền vững...