Đây là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thị trường xăng dầu thế giới giai đoạn vừa qua (từ kỳ điều hành giá ngày 21/01/2022 đến kỳ điều hành này) có nhiều biến động tăng giá, nguồn cung xăng dầu khan hiếm do ảnh hưởng của các yếu tố chính như: căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine và bất ổn chính trị tại các nước như Kazakhstan, Libya, Iran… tiếp tục phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao.
Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/01/2022 đến kỳ điều hành ngày 11/02/2022 cụ thể như sau: 102,419 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 6,253 USD/thùng, tương đương tăng 6,50% so với kỳ trước); 104,605 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,743 USD/thùng, tương đương tăng 6,89% so với kỳ trước); 104,831 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 6,327 USD/thùng, tương đương tăng 6,42% so với kỳ trước); 101,937 USD/thùng dầu hỏa (tăng 5,042 USD/thùng, tương đương tăng 5,20% so với kỳ trước); 511,032 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 26,747 USD/tấn, tương đương tăng 5,52% so với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn tiếp diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang được phục hồi.
Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, kỳ điều hành trước Tết Nguyên đán, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-400 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành lần này, trước diễn biến tăng giá liên tục của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý (giảm mức trích lập đối với mặt hàng xăng RON95 và duy trì mức chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức từ 100-400 đồng/lít).
Việc này nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; hỗ trợ việc duy trì nguồn cung xăng dầu từ các nguồn (kể cả nhập khẩu) cho thị trường và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ BOG ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.
Thực hiện các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định:
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
- Trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 50 đồng/lít, dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
- Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít; dầu diesel ở mức 400 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.
Giá bán xăng dầu
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 24.571 đồng/lít (tăng 976 đồng/lít so với giá hiện hành) nếu không chi quỹ BOG ở mức 200 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 1.176 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.771 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 25.322 đồng/lít (tăng 962 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 19.865 đồng/lít (tăng 962 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không chi Quỹ BOG ở mức 400 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 1.362 đồng/lít và giá bán sẽ là 20.265 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 18.751 đồng/lít (tăng 958 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành) nếu không chi Quỹ BOG ở mức 100 đồng/lít thì giá bán sẽ tăng 1.058 đồng/lít và giá bán sẽ là 18.851 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 17.659 đồng/kg (tăng 666 đồng/kg so với giá bán hiện hành).
Thời gian thực hiện
- Trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: áp dụng từ 15 giờ 00 ngày 11 tháng 02 năm 2022.
- Áp dụng mức giá bán đối với các mặt hàng xăng dầu: do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15 giờ 00 ngày 11 tháng 02 năm 2022.
- Kể từ 15 giờ 00 ngày 11 tháng 02 năm 2022, là thời điểm Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ công bố tại Công văn này cho đến trước ngày Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.