Ngày 21/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Nghị quyết số 74/NQ-CP nêu rõ: Thông qua nội dung tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại Phiên họp thứ 33, ngày 14/5/2024) đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về dự thảo Nghị quyết và nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung hồ sơ trình Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Ngày 14/5/2024, tại Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại Tờ trình số 188/TTr-CP ngày 26/4/2024.
Theo đó, về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Về cơ sở pháp lý, Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Về thực tiễn, qua 03 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, TP. Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đẩy mạnh cơ chế phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường. Tuy nhiên, thành phố còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính của UBND quận, phường; về liên thông cán bộ và biên chế công chức phường; về thẩm quyền của HĐND quận, phường. Nghị quyết số 119/2020/QH14 đang chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa.
Mục đích xây dựng dự thảo Nghị quyết là xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội nêu trên.
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 02 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng; Các chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm.
Với các nội dung tại dự thảo Nghị quyết nêu trên, cơ quan soạn thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024) theo trình tự thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội.
Theo thông tin tại phiên họp, Báo cáo Thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo Tờ trình của Chính phủ.
Riêng đối với nhóm chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng (21 chính sách), trong đó, đối với nhóm chính sách tương tự đã được áp dụng tại các địa phương khác hoặc áp dụng tương tự những có điều chỉnh bổ sung, mở rộng thêm và một số chính sách mới, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với những chính sách Chính phủ trình.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng có ý kiến thẩm tra đối với một số chính sách khác, trong đó, về ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư, đối tượng thu hút là các dự án quy mô vốn trung bình; lĩnh vực, phạm vi ưu tiên thu hút rộng; điều kiện cần đáp ứng khá đơn giản; việc áp dụng ưu đãi đối với phạm vi rộng có thể tác động đến NSNN. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động thận trọng, đặc biệt tác động đối với NSNN, đưa ra dự ước cụ thể để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đối với Danh mục ưu đãi đầu tư, đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, lựa chọn kỹ lưỡng danh mục ngành nghề ưu đãi tại khoản này.
Về thí điểm thành lập khu thương mại tự do, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng đây là chủ trương lớn, cần thiết, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố và của vùng. Tuy nhiên, đề nghị đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ trong Dự thảo Nghị quyết về khái niệm, mô hình tổ chức; Chức năng, nhiệm vụ; Chính sách phát triển và quản lý nhà nước; Phương án phát triển Khu thương mại tự do; Nguồn lực thực hiện; việc đầu tư hạ tầng; Kết quả đầu ra khi thành lập Khu thương mại tự do, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách và tính lan tỏa vùng miền....