Trở lại Ba Tơ

Sau 17 năm tôi mới có dịp trở lại Ba Tơ - huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường, là nơi nổ ra cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ lịch sử ngày

Ba Tơ bắt đầu có điện lưới quốc gia từ tháng 7 năm 1996 với công trình: Lưới điện sau TBA 35/22kV Ba Tơ do Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung – EVNCPC) là chủ đầu tư. Công trình bao gồm xây dựng mới 13,2 km đường dây 22kV; 6 TBA phụ tải với tổng dung lượng 325 kVA cấp điện cho các trạm bơm nông nghiệp Mang Tính (thị trấn Ba Tơ), Đồng Dâu (xã Ba Cung), các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, chiếu sáng sinh hoạt và phát triển kinh tế cho các khu dân cư thuộc thôn Mang Tính, xã Ba Cung, Ba Động và một phần xã Ba Thành.

Cùng với việc triển khai xây dựng các dự án năng lượng nông thôn (ADB, RE1-2) và đầu tư nâng cấp hàng năm của Công ty Điện lực Quảng Ngãi, đến nay Điện lực Ba Tơ đang quản lý 138,1 km đường dây trung áp; 97,6 km đường dây hạ áp; 01 TBA trung gian 35/22kV- 4000 kVA; 82 TBA phụ tải với tổng công suất lắp đặt 4.175 kVA, cấp điện cho 7.538 khách hàng ở 16 xã và 01 thị trấn (trừ các xã Ba Liên, Ba Trang, Ba Khâm do Điện lực Đức Phổ quản lý). Hiện tại, EVNCPC đang chỉ đạo đầu tư xây dựng dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn vay vốn Ngân hàng tái thiết Đức (KFV) trên địa bàn huyện Ba Tơ với quy mô: xây dựng mới 7,7 km đường dây trung và hạ áp; 02 TBA phụ tải với tổng dung lượng 50 kVA.

Ông Võ Thanh Bình, Giám đốc Điện lực Ba Tơ cho biết, Điện lực Ba Tơ bán lẻ 100% nhưng sản lượng điện tiêu thụ của mỗi công tơ hàng tháng rất thấp (từ 5 đến vài chục kWh/tháng, chiếm gần 50% số lượng khách hàng quản lý). Nhiều công tơ không có sản lượng hàng tháng do đồng bào dân tộc đi làm ăn xa một hai tháng mới về. Máy biến áp phụ tải thường xuyên vận hành non tải. Có 48/82 TBA vận hành cao điểm nhưng mức độ mang tải chỉ dưới 50% nhưng không có máy biến áp có công suất nhỏ hơn để thay thế hoặc hoán đổi (các máy biến áp hiện đang dùng đều có công suất nhỏ 15kVA, 20kVA, 25kVA, 31,5kVA)…

Địa bàn quản lý của Điện lực Ba Tơ rất rộng (chiếm hơn 1/5 diện tích tỉnh Quảng Ngãi). Nơi đây đồi núi chiếm 4/5 diện tích toàn huyện, nhiều núi cao hiểm trở. Lưới điện dàn trải đi qua các đồi núi, sông, suối. Đường giao thông đi lại rất trở ngại (nhất là vào mùa mưa) nên công tác quản lý vận hành lưới điện rất khó khăn. Mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 7) mật độ giông sét lớn và thường xảy ra vào buổi chiều làm gián đoạn cung cấp điện. Ý thức của người dân thấp (80% là đồng bào dân tộc Hrê). Hiện nay, trồng cây keo lai đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân trồng luôn dưới hành lang lưới điện gây trở ngại cho việc đảm bảo an toàn hành lang tuyến. Trở lại Ba Tơ, tôi thấu hiểu được những khó khăn của ngành điện trong việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc. Vượt qua mọi trở ngại, CBCNV Điện lực Ba Tơ có nhiều nỗ lực trong quản lý vận hành lưới điện đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục, chất lượng và hiệu quả. Điện thương phẩm của Điện lực Ba Tơ luôn tăng (năm 2012 đạt 8.414.442 kwh, tăng 5,1 % so với năm 2011; Qúy I năm 2013 đạt 2.105.000 kWh, tăng 14,22% so với cùng kỳ năm 2012). Trong đó điện cung ứng chủ yếu cho nhu cầu ánh sáng sinh hoạt với tỷ trọng hơn 78%; Công nghiệp, xây dựng chỉ chiếm tỉ trọng hơn 16%... Hệ số thu luôn thực hiện tốt; Giá bán bình quân đứng thứ hai trong toàn Công ty Điện lực Quảng Ngãi; Sự cố lưới điện giảm so với các năm trước; Công tác an toàn được đảm bảo.

Trở lại Ba Tơ, tôi được tận mắt chứng kiến những đổi thay và khởi sắc nơi đây. Đó là, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng đều khắp, trong đó nổi bật là huyện lỵ Ba Tơ. Các thôn xã có nhiều công trình thuỷ lợi, cầu cống, trường học được xây dựng mới. Từ thị trấn huyện lỵ có đường ô tô đến được trung tâm tất cả các xã, nhiều nơi đường thôn đã được bê tông hóa, phục vụ thuận lợi việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Những năm qua, quốc lộ 24 được khơi thông nối Ba Tơ với các tỉnh Tây Nguyên, LàoCampuchia góp phần quan trọng vào sự phát triển giao thông nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội ở Ba Tơ nói chung. Từ khi Ba Tơ có điện lưới quốc gia, các ngành nghề thủ công mở rộng sản xuất (dệt thổ cẩm, nghề rèn, nghề mộc, may vá, làm bánh tráng, làm bún), các hoạt động dịch vụ cơ khí, dịch vụ điện tử, dịch vụ sửa chữa phát triển mạnh tại trung tâm huyện lỵ và các trung tâm cụm xã nằm trên quốc lộ 24. Công nghiệp phát triển nhất là ở thị trấn Ba Tơ, các xã Ba Vì, Ba Động. Điện đi trước một bước góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Ba Tơ theo hướng tích cực: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm dần và tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để huyện miền núi Ba Tơ vươn lên hòa nhập cùng các huyện khác của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực.

Nguyễn Xuân Tư