Trọn nghĩa, vẹn tình

Với các doanh nghiệp (DN) thuộc diện DN nhà nước, Công ty TNHH MTV việc tái cơ cấu để phát triển trong giai đoạn hiện nay là một nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, tái cơ cấu ra sao, quy trình thực hiện th

Quyết định số 314/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 07 tháng 02 năm 2013 đã nêu rõ, Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu Vinacomin giai đoạn 2012 – 2015 là: “Xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý; tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”. Theo đó, đã có hàng loạt doanh nghiệp ngành than phải thực hiện tái cơ cấu và thay đổi mô hình hoạt động. Và hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải những khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm và giải quyết các lao động dôi dư giống như trường hợp ở Công ty CP Cơ khí Ô tô Uông Bí.


Chúng tôi về Công ty CP Cơ khí Ô tô Uông Bí vào thời điểm mà Công ty Than Uông Bí (công ty mẹ) sắp chuyển đổi mô hình hoạt động từ Công ty TNHH MTV hai cấp (công ty mẹ - công ty con) thành chi nhánh trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Việc Công ty Than Uông Bí chuyển thành chi nhánh của Vinacomin và thoái vốn 100% khỏi Cơ khí Ô tô Uông Bí cũng đồng nghĩa với việc Cơ khí Ô tô Uông Bí trở thành doanh nghiệp tư nhân, hoạt động độc lập ngoài Tập đoàn. Điều này được không ít cán bộ Công ty ví von là từ “con đẻ” trở thành… người ngoài.


Công ty CP Cơ khí ô tô Uông Bí là một trong những doanh nghiệp tiên phong của ngành Than hoạt động ở lĩnh vực sửa chữa cơ khí và sản xuất các trang, thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh, khai thác than của các doanh nghiệp trong Tập đoàn. Cơ khí Ô tô Uông Bí thời ấy ra đời trên sự trông đợi của Vinacomin, mong muốn xây dựng một doanh nghiệp hoạt động chuyên biệt ở lĩnh vực cơ khí và sản xuất thiết bị. Và trong suốt chặng đường phát triển của mình, Công ty đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ đó. Trở thành một trong những đơn vị cơ khí đứng đầu của Vinacomin về sản xuất các sản phẩm phục vụ ngành khai thác, chế biến than và khoáng sản, sản lượng và doanh thu hàng năm đều tăng trưởng, đảm bảo được lợi nhuận và bảo toàn vốn của nhà nước. Tuy nhiên, đến nay trước những đòi hỏi của thời cuộc, đơn vị chủ lực một thời của ngành buộc phải thoát ly và hoạt động độc lập.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công ty cho biết: “Việc thoái vốn của Công ty mẹ chắc chắn phải xảy ra, một mặt để bảo toàn vốn Nhà nước, là chủ trương đúng của Đảng và xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có phần ngỡ ngàng vì thời điểm nó đến quá sớm. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung để đưa ra những phương án tối ưu nhất nhằm duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động dôi dư. Để làm được điều này, chúng tôi cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía Tập đoàn…”.

Quả thật, thay đổi nào cũng mang đến một cách song hành, đồng thời cả hai yếu tố, cơ hội phát triển và thách thức. Nếu như trước đây, khi còn là thành viên của Vinacomin, nguồn việc và đầu ra cho sản phẩm của Cơ khí Ô tô Uông Bí hầu như hoàn toàn do Tập đoàn, các doanh nghiệp trong ngành bao tiêu và ủng hộ thì thời gian tới, khi trở thành một doanh nghiệp ngoài ngành, Công ty sẽ phải tự bơi.

Trên thị trường hiện nay, việc cung ứng các sản phẩm cho ngành khai thác mỏ đang có sự cạnh tranh hết sức quyết liệt từ các doanh nghiệp ngoài ngành. Các doanh nghiệp này được đầu tư lớn, có nhiều lợi thế về vốn và kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau (cả các sản phẩm ngoài ngành mỏ). Trong khi, với Cơ khí Ô tô Uông bí, những năm gần đây, để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh do Tập đoàn đề ra, Công ty đã tập trung 100% nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống dây chuyền, trang thiết bị. Tất cả các sản phẩm làm ra đều chỉ phục vụ trong ngành khai thác mỏ. Do đó, khi Tập đoàn thoái vốn, Công ty không chỉ bị ảnh hưởng về mặt cơ sở hạ tầng, mà còn rất khó khăn trong công tác giữ thị phần, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Phân xưởng sản xuất vì lò
Cả một thời gian dài từ đầu tư cho đến định hướng phát triển của doanh nghiệp  đều chủ yếu phục vụ ngành Than, nay trở thành doanh nghiệp tư nhân, chắc chắn không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Do đó, Lãnh đạo Công ty mong muốn, Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng phối hợp sản xuất kinh doanh với đơn vị theo quy chế hiện hành của Tập đoàn như đối với các đơn vị cơ khí còn lại trong ngành than, tạo điều kiện để các sản phẩm cơ khí, sản phẩm chuyên dùng mỏ của Công ty cạnh tranh lành mạnh với các sản phẩm của các đơn vị còn lại trong Tập đoàn.

Việc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi Công ty phải có những thay đổi sâu sắc về cơ cấu lao động, sắp xếp lại các phòng, ban để bộ máy tinh gọn nhất có thể. Nếu trước đây, ngoài các phòng ban lãnh đạo, Công ty còn có 9 phòng và 8 phân xưởng, thì nay, trước yêu cầu mới, Công ty chỉ còn 7 phòng và 5 phân xưởng. Việc tinh gọn bộ máy theo tình hình mới đã dẫn đến thực tế có một số lượng khá lớn người lao động dôi dư (60 người), trong đó có 50 người đã đến đầu khung được nghỉ chế độ hưu trí nhưng phải giảm trừ lương do thiếu năm tuổi đời. Và khoản kinh phí phải chi trả cho các lao động nói trên là hơn 3 tỷ đồng, một số tiền không hề nhỏ với một doanh nghiệp vừa bị thoái vốn. Do đó, Công ty hiện đang rất cần sự hỗ trợ từ phía Vinacomin.

Qua cuộc chuyện trò với lãnh đạo Công ty chúng tôi biết, cái khó nhất cho những người đứng mũi, chịu sào ở Cơ khí Uông Bí hiện nay không phải là xây dựng mô hình tái cơ cấu ra sao, cũng không phải về mặt điều hành sản xuất thế nào, mà đó là việc làm sao để đảm bảo được quyền lợi cho mấy chục con người thuộc diện “hưu non”, để không phụ công bấy nhiêu năm cống hiến cho ngành Mỏ. Nhưng chúng tôi cũng tin, trăn trở đó sẽ được các lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam nhìn rõ và giải quyết thấu đáo, trọn nghĩa, vẹn tình. Và tôi biết niềm tin của mình sẽ đúng, truyền thống của những người làm ngành mỏ nói với tôi điều đó.