Nguyên nhân chủ yếu do Chính phủ Trung Quốc muốn hạn chế nhập khẩu than trong bối cảnh sản lượng khai thác than nội địa của nước này ngày càng tăng cao và nhiều hãng khai thác than nước này đang dư thừa công suất. Tuy nhiên, giá cả và chất lượng của các loại than nội địa của Trung Quốc thường kém hơn so với các loại than nhập khẩu, đặc biệt là than nhập khẩu từ Australia – nước cung cấp than lớn nhất cho Trung Quốc hiện nay. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp sử dụng than tại vùng duyên hải Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với nguồn cung than nhập khẩu qua các cảng biển hơn là so với các nguồn cung than nội địa.
Tại một hội nghị của ngành than Trung Quốc được tổ chức gần đây, ông Rodrigo Echeverri, trưởng ban hàng hóa cơ bản nặng thuộc tập đoàn giao dịch Noble Group, cho biết sản lượng khai thác than của Trung Quốc sẽ tăng lên kể từ quý II/2019. Ông Rodrigo Echeverri dự báo lượng than được Trung Quốc nhập khẩu trong năm 2019 sẽ giảm 11% so với năm 2018, xuống còn 197 triệu tấn. Theo đó, Australia sẽ là nước chịu thiệt hại lớn nhất từ việc giảm nhập khẩu than của Trung Quốc.
Cũng tại hội nghị này, ông Wang Hongqiao – phó chủ tịch Hiệp hội than quốc gia Trung Quốc cho biết, sản lượng khai thác than của nước này dự kiến sẽ tang thêm 100 triệu tấn trong năm nay. Ông Wang Hongqiao cũng cho biết nhu cầu sử dụng than để sản xuất năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng lên nhưng tổng thể chung, tăng trưởng sử dụng than của Trung Quốc sẽ chậm lại. Điều này dẫn đến tình trạng dư cung nghiêm trọng trên thị trường.
Theo số liệu Cơ quan thống kê Trung Quốc, sản lượng khai thác than của Trung Quốc trong năm 2018 là 4 tỷ tấn. Bất chấp những nỗ lực kiểm soát tình trạng dư thừa công suất khai thác, sản lượng khai thác than của nước này sẽ tăng thêm 194 triệu tấn trong năm nay. Tính từ đầu năm đến nay, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã đồng ý kế hoạch triển khai 12 dự án khai thác mới với tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt 29,5 triệu tấn.
Hiện tốc độ nhập khẩu than của Trung Quốc, đặc biệt là nhập khẩu từ Australia đang giảm xuống, thậm chí một số hãng giao dịch đã hủy hoặc giảm mua than từ Australia do cơ quan hải quan Trung Quốc kéo dài thời gian kiểm tra. Hãn tin Reuters cho biết tại một số khu vực nhập khẩu, thời gian kiểm tra chất lượng than nhập khẩu có thể kéo dài lên tới 2 tháng.
Một số nguồn tin của Reuters cho biết các cơ quan chức năng Trung Quốc đang kêu gọi các doanh nghiệp nước này giảm hoặc ngưng sử dụng than nhập khẩu và yêu cầu bộ phận hải quan tại các địa phương giám sát kỹ hoạt động nhập khẩu để duy trì hạn ngạch nhập khẩu chặt chẽ, thậm chí hạn ngạch nhập khẩu được phân bổ theo từng tháng.
Hãng tin Reuters cho biết Cơ quan hải quan khu vực Đại Liên (Trung Quốc) đã cấm nhập khẩu than từ Australia, quyết định này có hiệu lực kể từ đầu tháng 3/2019. Khu vực Đại Liên bao gồm nhiều cảng lớn và là khu vực tiếp nhận than nhập khẩu chính của Trung Quốc. Tổng lượng than nhập khẩu qua cảng này trong năm 2018 là 14 triệu tấn, trong đó 1/2 lô than nhập khẩu là đến từ Australia.